Du lịch không phải là "tiên dược" cho các quốc đảo Thái Bình Dương

05:30' - 27/10/2023
BNEWS Đại dịch COVID-19 tác động đến ngành du lịch ở Quần đảo Thái Bình Dương và cho thấy những điểm yếu của nền kinh tế đảo. Nếu không khai thác hợp lý, du lịch sẽ là "con dao hai lưỡi" cho các quần đảo.

 

Theo trang mạng của Viện các vấn đề quốc tế Australia (AIIA), Quần đảo Thái Bình Dương được những du khách châu Âu đầu tiên ví như thiên đường. Khí hậu, thiên nhiên và lòng hiếu khách của người dân địa phương khiến quần đảo này trở thành những địa điểm du lịch hoàn hảo. Tuy nhiên, sự phát triển và tác động của hoạt động du lịch giữa các đảo Thái Bình Dương là rất phức tạp.

Các quốc đảo Thái Bình Dương rất đa dạng về nền tảng địa lý, văn hóa, lịch sử, môi trường chính trị và kinh tế. Hầu hết trong số họ đều cách xa phần còn lại của thế giới. Chỉ có Papua New Guinea và ở một mức độ thấp hơn là Fiji có lĩnh vực khai thác và sản xuất. Xuất khẩu nông sản gặp khó khăn do thiếu quy mô kinh tế và khả năng tiếp cận thị trường khiến giá cả bị đẩy lên cao.

Trong môi trường như vậy, các quốc đảo Thái Bình Dương cần sáng tạo để thu hút ngoại tệ và hỗ trợ việc làm địa phương. Tuy nhiên, một số sáng kiến như vậy đang gây ra nhiều tranh cãi. Rõ ràng, nền kinh tế của các quốc đảo phụ thuộc ở những mức độ khác nhau vào các quốc gia khác.

 

Thiếu đi những lựa chọn khả thi ngoài du lịch

Các đảo Thái Bình Dương chuyển trọng tâm sang du lịch không hoàn toàn vì lĩnh vực này mang lại kết quả kinh tế xã hội tốt nhất, mà vì họ thiếu đi các lựa chọn kinh tế khả thi. Du lịch không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho Quần đảo Thái Bình Dương.

Nền kinh tế du lịch của Tonga có quy mô nhỏ (chiếm 12,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2019) gần đây được xếp hạng 91 trong Chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc (LHQ), trong khi Fiji với lịch sử du lịch lâu đời và có ngành du lịch đóng góp cao hơn vào GDP (31,4% năm 2019) xếp hạng thứ 99.

Ngoài ra, du lịch cũng thể hiện sự tự chủ hơn so với các hình thức khác như viện trợ nước ngoài hoặc kiều hối từ cộng đồng hải ngoại.

Mặc dù sự phụ thuộc vào du lịch vẫn tồn tại, các quốc đảo Thái Bình Dương ngày càng có khả năng kiểm soát cách phát triển du lịch. Đầu tiên, khách du lịch cần đến các hòn đảo, điều này tạo ra sự phụ thuộc vào các công ty hàng không và tàu du lịch. Ví dụ, Chính phủ Quần đảo Cook đã từng bảo lãnh các chuyến bay từ Los Angeles đến Rarotonga trước đại dịch COVID-19 để duy trì kết nối. Trong môi trường hậu COVID-19, chính phủ quần đảo này đã quay trở lại bảo lãnh các chuyến bay, lần này là đến Hawaii.             

Trong khi nhiều hãng hàng không nội địa đang phải vật lộn để cất cánh và nhiều hãng đối mặt với nguy cơ phá sản thì Fiji Airways và Air Niugini đã phát triển để trở thành những công ty quan trọng trong ngành hàng không. Các sân bay Nadi và Port Moresby hiện cũng đóng vai trò trung tâm. Tuy nhiên, hiện vẫn không có tuyến du lịch địa phương nào và lợi ích của việc tiếp nhận các tàu du lịch lớn trên các đảo nhỏ là không rõ ràng.

 

Việc phát triển cơ sở hạ tầng cảng mang đến những chi phí nhất định, có thể kể đến là thiệt hại đối với môi trường tự nhiên và sự bất tiện của tình trạng quá tải. Trong khi đó, lợi ích mà khách du lịch du lịch mang lại trực tiếp cho cộng đồng địa phương là rất ít vì họ chỉ tham gia các chuyến tham quan trong ngày và mua quà lưu niệm mà không chi trả cho chỗ ở và thức ăn.             

Một nghiên cứu năm 2014 xác định rằng mỗi hành khách đi tàu đều mang theo 125 USD chi tiêu đến Vanuatu. Tuy nhiên, Khảo sát Du khách Quốc tế Vanuatu 2014-2015 cho thấy trung bình một khách du lịch (không phải hành khách đi tàu) mang lại 1.514 USD cho nền kinh tế Vanuatu trong thời gian lưu trú 8-9 đêm.            

Chính nguồn vốn nước ngoài và các thương hiệu quốc tế đã giúp phát triển lĩnh vực lưu trú ở Fiji. Nhân viên quản lý khu nghỉ dưỡng trước đây chủ yếu là người nước ngoài, trong khi cộng đồng địa phương thường cảm thấy xa lạ với vùng đất này. Ở các quốc đảo Thái Bình Dương khác, việc phát triển chỗ ở có thể mang tính địa phương hơn, nhưng điều này vẫn tạo ra các vấn đề về quyền sở hữu đất đai.

Để đảm bảo các hợp đồng cho thuê công bằng hơn, Hội đồng Tín thác Đất đai iTaukei (TLTB) ở Fiji đã đóng vai trò là trung gian hòa giải giữa chủ sở hữu đất và các nhà phát triển khu nghỉ dưỡng, bao gồm học bổng, sáng kiến bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng có trong hợp đồng cho thuê.            

TLTB hiện được xem xét do có những lời kêu gọi trao quyền cho chủ đất để thực hiện các hoạt động phát triển một cách tự chủ, một dấu hiệu cho thấy hiện nay chủ đất đã nhận thức rõ hơn nhiều về các lựa chọn và quyền của họ.

Trong khi đó, Tập đoàn khách sạn Fijian Tanoa là một ví dụ về chuỗi khách sạn trong khu vực. Các cơ hội giáo dục và đào tạo về du lịch và khách sạn cũng đảm bảo sự phát triển của các chuyên gia địa phương sẵn sàng quản lý doanh nghiệp. Có lẽ, cột mốc tiếp theo là có thêm nhiều nhân tài địa phương trở thành Tổng Giám đốc.

Các điểm tham quan và hoạt động du lịch tại khu vực Thái Bình Dương cũng ngày càng đa dạng hóa, mang đến nhiều trải nghiệm phiêu lưu văn hóa, dựa vào thiên nhiên và mềm mại hơn.

 

“Con dao hai lưỡi”

Tuy nhiên, trải nghiệm du lịch văn hóa ở Thái Bình Dương là “con dao hai lưỡi”. Người ta đã nhắc đến mối đe dọa về việc McDonald hóa văn hóa: các biểu hiện của văn hóa có thể mất đi giá trị và tính xác thực vốn có của chúng để trở thành những sản phẩm hàng hóa thích ứng với sở thích của khách du lịch. Ví dụ, điệu múa dao lửa Samoa (Siva Afi) hiện được biểu diễn tại các khách sạn trên khắp Thái Bình Dương.             

Sự phức tạp mà du lịch tác động đến kinh tế, xã hội và môi trường tự nhiên đã thúc đẩy Tổ chức Du lịch Nam Thái Bình Dương thúc đẩy việc thực hiện các chính sách du lịch bền vững giữa các thành viên. Du lịch bền vững ở Quần đảo Thái Bình Dương nên tận dụng kiến thức truyền thống và quyền giám hộ đối với quần đảo. Tổng công ty Du lịch Quần đảo Cook đã áp dụng cách tiếp cận như vậy khi phát triển các nguyên tắc Mana Tiaki (Quyền giám hộ) cho các doanh nghiệp du lịch.            

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến ngành du lịch ở Quần đảo Thái Bình Dương và cho thấy những điểm yếu của nền kinh tế đảo. Các hạn chế đi lại ở Thái Bình Dương được áp dụng rất nghiêm ngặt cho đến năm 2022. Khi hoạt động du lịch quốc tế bị đình trệ, thị trường nội địa không đủ lớn để duy trì hoạt động kinh doanh và nhiều người mất việc. Viện trợ nước ngoài tăng cùng lúc với đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm.             

Trong khi đó, sự thay đổi về lượng kiều hối cá nhân cũng khác nhau. Các quốc gia. Fiji, Quần đảo Solomon và Tonga chứng kiến lượng kiều hối tăng lên, trong khi lượng kiều hối ở Kiribati, Papua New Guinea và Vanuatu lại giảm.

Một số cộng đồng đã chứng kiến sự quay trở lại của hệ thống trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội cho những người mất việc làm du lịch, rời bỏ các thị trấn nghỉ dưỡng và quay trở lại vùng đất tổ tiên. Họ củng cố quan hệ gia đình và cộng đồng, củng cố mối liên hệ với đất đai và tri thức truyền thống, thực hiện trách nhiệm cộng đồng của mình. Trong tương lai, sự cân bằng tốt hơn giữa công việc du lịch và trách nhiệm cộng đồng sẽ mang lại nhiều lợi ích.            

Khi biên giới mở cửa trở lại và các đường bay bắt đầu được thiết lập lại, nhu cầu quốc tế về du lịch đến các đảo Thái Bình Dương đã quay trở lại. Tương tự như các nơi khác trên thế giới, điều này dẫn đến tình trạng thiếu lao động du lịch. Không phải ai rời bỏ ngành du lịch cũng sẵn sàng quay trở lại bởi họ đã bắt đầu kinh doanh riêng hoặc tham gia vào các ngành công nghiệp khác

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng thiếu lao động, Australia và New Zealand đã mở rộng các chương trình làm việc thời vụ để thu hút nhiều người dân đảo Thái Bình Dương hơn, góp phần làm “rò rỉ” lao động có tay nghề và phổ thông từ các đảo Thái Bình Dương.

Du lịch có thể vừa gây thiệt hại, vừa mang lại lợi ích cho Quần đảo Thái Bình Dương. Có nhiều ví dụ về những thay đổi tích cực ở quần đảo, song vẫn còn nhiều thách thức. Các cộng đồng trên đảo không phải là nguyên khối và quan điểm về cách phát triển du lịch rất khác nhau. Nhưng rõ ràng là việc phụ thuộc quá nhiều vào du lịch, viện trợ nước ngoài và kiều hối là rất nguy hiểm và cần phải tiếp tục đa dạng hóa nền kinh tế của các đảo Thái Bình Dương theo cách đảm bảo tính bền vững cũng như khả năng phục hồi của xã hội đảo. Và chính người dân các đảo Thái Bình Dương nên kiểm soát và thúc đẩy những sự phát triển này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục