Bình gas bị rò rỉ bất ngờ bắt lửa khiến 3 người bị bỏng nặng

19:47' - 03/03/2017
BNEWS Các nạn nhân trong vụ rò rỉ khí gas này nhập viện trong tình trạng đen vùng mặt, bị choáng và rất đau đớn do các vết bỏng gây ra.

Ngày 3/3, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Lúc 18 giờ ngày 2/3, Bệnh viện tiếp nhận ba bệnh nhân bỏng nặng trong một vụ rò rỉ khí gas. Các nạn nhân này nhập viện trong tình trạng đen vùng mặt, bị choáng và rất đau đớn do các vết bỏng gây ra.

Ba bệnh nhân gồm N.T.T (16 tuổi), N.T.M (25 tuổi) và N.T.H (17 tuổi) đều là nhân viên của quán bún bò trên đường Bàu Cát 2, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo lời kể của bệnh nhân, thời điểm xảy ra vụ việc, trong căn bếp của quán bún bò có hai bình gas sinh hoạt lớn, một bình để nấu nước lèo, một bình gas dự trữ. Trong khi mọi người đang nấu ăn thì một bình gas để bên cạnh rò rỉ khí gas khiến bình gas đang nấu bắt cháy sang.

2 người vội chạy đến để tắt bình gas rò rỉ thì ngay lập tức bị lửa và khí gas làm bỏng vùng mặt. Người thứ 3 đứng gần đó cũng bị bỏng lây.

3 nạn nhân được xác định bỏng độ 2, độ 3 với diện tích bỏng trên 30%. Vết bỏng bắt đầu từ vùng mặt và lan xuống cổ, ngực, tay và chân, trong đó, vùng mặt là bị nặng nhất.

Bác sỹ Nguyễn Đình Phú cho rằng, với mức độ bỏng này thì không bị ảnh hưởng về sự sống tuy nhiên khả năng phục hồi thẩm mỹ ở vùng mặt là chưa thể tiên đoán trước.

Hiện tại, các nạn nhân này đã tỉnh táo, có thể nói chuyện được. Bác sỹ Nguyễn Đình Phú cho biết từ trước đến nay bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị bỏng nặng do nổ bình gas, nhất là bình gas mi ni.

Những bệnh nhân bị bỏng do nổ bình gas thường rất khó sống sót vì bị bỏng đường hô hấp, khó cứu chữa được. Vì thế, 3 trường hợp mới nhất này là lời cảnh báo đến người dân khi sử dụng gas.

Theo bác sỹ Nguyễn Đình Phú, cách tốt nhất là nên sử dụng các phương tiện nấu ăn khác an toàn hơn như bếp từ, bếp hồng ngoại bởi các bình gas hiện nay chủ yếu là tái sử dụng nhiều lần nên rất khó đảm bảo an toàn.

Những trường hợp bị bỏng gas nếu không nhập viện kịp thời có thể sẽ gặp nguy hiểm tính mạng như bị sốc do quá đau đớn dẫn đến ngưng tim, ngưng thở; nhiễm trùng vết bỏng; mất nước và điện giải…

Một số cách sơ cứu như dùng nước mắm hay bôi kem cũng được khuyến cáo không sử dụng vì có thể làm vết bỏng bị nhiễm trùng./.

>> Kết quả xử lý vụ nữ sinh trường THPT Phan Đình Phùng bị bỏng nặng

>> Sự phục hồi kỳ diệu của một bệnh nhân bỏng xăng 75% cơ thể

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục