Bình Phước: Hơn 3.200 lao động có cơ hội việc làm đầu tháng 2

09:29' - 02/02/2023
BNEWS Nhiều doanh nghiệp tại Bình Phước đang cần tuyển hơn 3.200 lao động. Đến hết tháng 1/2023, hơn 90% lao động tại Bình Phước đã trở lại nhà máy, xí nghiệp làm việc.

Địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động với gần 130.000 lao động đang làm việc. Trong đó, các khu công nghiệp có 174 doanh nghiệp với 71.750 lao động Việt Nam và 1.120 lao động nước ngoài. Thu hút nhiều lao động làm việc chủ yếu là các công ty sản xuất cao su, điều, dệt may, da giày, linh kiện điện tử… Nhìn chung, các doanh nghiệp đều có chính sách tốt đối với người lao động, tạo động lực để họ yên tâm gắn bó với công việc.

 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Phước, hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại từ ngày 30/1/2023 (ngày 9/1 âm lịch). Nhờ có chính sách đãi ngộ tốt, sau Tết Quý Mão, hơn 90% người lao động đã quay trở lại làm việc đúng thời gian.

Tại các khu công nghiệp, 120 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Số người lao động đi làm đạt 93%. Số lao động còn lại do thiếu đơn hàng nên doanh nghiệp cho nghỉ lâu hơn và trở lại làm việc vào đầu tháng 2/2023.

29 doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng 3.230 lao động trong tháng 1/2023, trong đó 3.122 lao động phổ thông và 108 lao động có chuyên môn.

UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng địa phương, vùng, ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, bảo đảm cung ứng lao động kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Sở phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường biện pháp ổn định quan hệ lao động; hỗ trợ các bên đối thoại, giải quyết vấn đề quan hệ lao động phát sinh; giải quyết thỏa đáng, có hiệu quả các tranh chấp lao động, yêu cầu phát sinh, không để tranh chấp kéo dài gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục