Bình Phước phát triển hạ tầng trọng điểm theo hướng kết nối liên thông đa mục tiêu

14:54' - 31/12/2023
BNEWS Ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bình Phước trong trời gian tới là tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng. 

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là khung pháp lý quan trọng để Bình Phước tiếp tục triển khai các chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện các bước đột phá về kết cấu hạ tầng trọng điểm.

Cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng chính phủ, mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là "điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam Bộ; có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách.

Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu.

 

Đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước.

Hiện nay, tỉnh Bình Phước có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha; trong đó, có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động.

Dự kiến đến năm 2030, Bình Phước sẽ tiếp tục quy hoạch mới và mở rộng một số khu công nghiệp với diện tích khoảng 9.300 ha. Bên cạnh, Bình Phước có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, giáp với Vương quốc Campuchia, giao thông thuận lợi kết nối với Lào và Thái Lan với tổng diện tích trên 28.300 ha; trong đó, trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.

Tiến sĩ Trần Du Lịch (nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), cho rằng để Bình Phước có thể "cất cánh", thì vấn đề liên kết vùng chính là phương án tạo sự cộng hưởng cho phát triển. Đó là liên kết các trục giao thông Bình Phước – Bình Dương – Tp. Hồ Chí Minh đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải; trục Đắk Nông – Bình Phước – Bình Dương – Đồng Nai – Tp. Hồ Chí Minh; tuyến Bà Rịa – Vũng Tàu – Tp. Hồ Chí Minh – Bình Phước – Campuchia – Thái Lan – Myanmar…

Mới đây, phát biểu tại "Hội thảo khoa học các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ với việc triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" diễn ra tại Bình Phước, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh việc phát triển hệ thống hạ tầng kết nối là điểm nhấn lớn và quan trọng cần phải được khơi thông đầu tiên để tạo đột phá phát triển Vùng Đông Nam Bộ.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Nghị quyết số 24 chỉ ra việc cần ưu tiên hàng đầu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối gồm các tuyến đường bộ cao tốc, các hành lang kinh tế, khai thông các cửa ngõ ra bên ngoài, từ khu vực ra biên giới như cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, cảng hàng không quốc tế Long Thành đến các cảng biển trung chuyển như cảng Cần Giờ… Trên cơ sở các tuyến giao thông quan trọng, các địa phương trong Vùng cần sớm tổ chức lại và hiện thực hóa các hành lang vành đai kinh tế; tích hợp các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy đến các cảng để liên kết các tỉnh, thành phố vùng biên, các trung tâm sản xuất như các khu công nghiệp, khu kinh tế; bảo đảm sự kết nối mạng lưới đô thị ở nhiều tầng nấc khác nhau, đi cùng với phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở theo hướng xanh, hiện đại, thông minh.

Tạo đột phá trong phát triển hạ tầng trọng điểm

Ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bình Phước trong trời gian tới là tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng. "Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), sân bay chuyên dùng Hớn Quản. Phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phát triển hạ tầng số gắn với phát triển thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số", Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết.

Quy hoạch tỉnh Bình Phước cũng xác định tổ chức không gian phát triển theo 3 trục động lực gồm trục phía Đông (Chơn Thành - Bù Đăng), với trọng tâm là Quốc lộ 14, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và đường phía Đông Nam Quốc lộ 14.

Trục phía Tây (Chơn Thành - Lộc Ninh), phát triển công nghiệp gắn với Quốc lộ 13 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, kết nối lên Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư.

Trục trung tâm (Đồng Phú - Phước Long), phát triển kinh tế gắn với ĐT 741, kết nối thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng với Quốc lộ 14 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Theo ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Phước, việc phát triển khu công nghiệp của Bình Phước trong thời gian tới bảo đảm phù hợp với quy hoạch, trên cơ sở sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực đất đai và chỉ tiêu đất công nghiệp được phân bổ, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi của các dự án khu công nghiệp.

"Tối ưu hóa nguồn lực từ đất đai để phát triển khu công nghiệp trong bối cảnh hạn mức đất công nghiệp của tỉnh bị hạn chế trong thời gian tới. Vì vậy, cần chú trọng lựa chọn các nhà đầu tư hạ tầng có đủ năng lực và kinh nghiệm; ưu tiên phát triển các  có khu công nghiệp có quy mô nhỏ (có diện tích dưới 500 ha) và các khu công nghiệp có quy mô vừa (với diện tích từ 500 ha đến dưới 1.000 ha); không phát triển các dự án khu công nghiệp quá lớn với diện tích trên 1000 ha", ông Nguyễn Minh Chiến cho biết.

Năm 2023, tỉnh Bình Phước tiếp tục khẳng định là một cực tăng trưởng quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn Bình Phước đạt 54.894 tỷ đồng, tăng 8,34%, vượt 0,34% so với năm trước, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 so với cả nước; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 739 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu 4,18 tỷ USD tăng 8,6%; kim ngạch nhập khẩu 2,6 tỷ USD, tăng 20,9%; xuất siêu 1,58 tỷ USD.

Dự kiến năm 2024, sẽ khởi công hai tuyến cao tốc quan trọng qua địa bàn tỉnh Bình Phước gồm cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, và cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, hai tuyến cao tốc sau khi đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đắk Nông đi tỉnh Bình Phước đến Thành phố Hồ Chí Minh cũng như tạo thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và Cảng Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu); tạo bước đột phá cho vùng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo an ninh quốc phòng. Ngoài ra, còn giúp vận chuyển nông sản, thực phẩm, bauxite, phát triển du lịch địa phương và khu vực, mở ra cơ hội kết nối giao thông liên vùng Tây Nguyên, Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục