Thừa Thiên - Huế đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp

10:41' - 20/12/2023
BNEWS Tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư.

Năm 2024, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư đến đặt nhà máy sản xuất, góp phần nâng cao quy mô, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

 
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng các trục giao thông chính quan trọng như mở rộng hệ thống đường trung tâm đô thị Chân Mây, đường phía Đông đầm Lập An; dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2), đê chắn cát Chân Mây; tiếp tục đầu tư hệ thống thoát nước thải, xử lý nước thải khu công nghiệp, khu phi thuế quan; xây dựng hệ thống đường bộ ven biển, hoàn thành xây dựng hồ chứa nước Thủy Yên - Thuỷ Cam, xây dựng trường đào tạo nghề Chân Mây; hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương đã được phê duyệt.

Thừa Thiên - Huế cũng xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội cần thiết cho phát triển như nhà ở cho người lao động và chuyên gia, trường học, nhà trẻ, trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa thể thao, cơ sở chăm sóc sức khỏe nhằm đảm bảo cho các khu công nghiệp phát triển bền vững. Hiện nay, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu công nghiệp Phong Điền, Phú Bài đã bố trí đất phát triển nhà ở xã hội.

Thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thu hút một số nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp lớn, tiêu biểu như Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex là chủ đầu tư. Dự án có quy mô hơn 460 ha với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng, thuộc khu công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy), khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển vùng công nghiệp phía nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong giai đoạn tới và giải quyết nhu cầu việc làm tại địa phương.

Khu công nghiệp Gilimex hướng đến thu hút các nhà đầu tư với những ngành nghề chính gồm: sản xuất sản phẩm điện, điện tử; máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, phương tiện và thiết bị vận tải; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, nha khoa, chỉnh hình và phục hồi chức năng; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác. Dự kiến, giai đoạn 1 đợt 1 của dự án này với diện tích hơn 32 ha sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2023.

Thừa Thiên - Huế hiện có 6 khu công nghiệp với quy mô diện tích 2.400 ha. Địa phương đang đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như công nghiệp thời trang, phát triển ngành năng lượng sạch, công nghiệp chế biến sâu từ cát silicat (thạch anh), công nghiệp công nghệ thông tin và phần mềm, công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế…

Năm 2024, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là hơn 83%. Địa phương phấn đấu sẽ thu hút thêm 15 - 18 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6.000 tỷ - 8.000 tỷ đồng về logistics cảng biển, công nghiệp, đầu tư kinh doanh hạ tầng.

Hiện nay, tại các khu kinh tế, công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên - Huế có 109 dự án đang hoạt động, 48 dự án đang triển khai. Lũy kế đến năm 2023 vốn đầu tư của các dự án ước đạt khoảng hơn 39.300 tỷ đồng. Năm 2023, các doanh nghiệp hoạt động trong khu kinh tế, công nghiệp của tỉnh nộp ngân sách ước đạt 3.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 38.500 lao động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục