Bình Thuận không cho phép đóng mới tàu cá làm nghề giã cào từ ngày 20/3

15:59' - 05/03/2018
BNEWS Trong thời gian qua, hoạt động của tàu thuyền nghề giã cào bay (nghề lưới kéo) tại vùng biển Bình Thuận thường xuyên vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ngày 5/3, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã ban hành Quyết định số 17/2018/QĐ – UBND về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 61 (ngày 11/11/2015 của UBND tỉnh) quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo (giã cào) trên vùng biển Bình Thuận.

Theo quyết định của UBND tỉnh, từ ngày 20/3/2018, tỉnh không cho phép đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo dưới mọi hình thức (bao gồm cả nghề lưới kéo đơn và nghề lưới kéo đôi), kể cả khi tàu giải bản, bị hư hỏng, mục nát hoặc bị tai nạn.

Bên cạnh đó, tại khoản 6, Điều 1 về xử lý vi phạm cũng được sửa đổi, bổ sung: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tại quyết định này được xử lý theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản và Nghị định số 41/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Trong thời gian qua, hoạt động của tàu thuyền nghề giã cào bay (nghề lưới kéo) tại vùng biển Bình Thuận thường xuyên vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến các nghề khai thác ven bờ, gây bất đồng, mâu thuẫn căng thẳng trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, ảnh hưởng lớn đến một bộ phận đời sống và sản xuất của ngư dân; đồng thời sử dụng nhiều thủ đoạn để né tránh, đối phó cơ quan chức năng.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 chiếc làm nghề giã cào. Sự phát triển của nghề giã cào và các hoạt động khai thác hải sản bằng lưới kéo không đúng tuyến theo qui định thời gian qua đã có tác động xấu đến nguồn lợi, môi trường đáy biển và ảnh hưởng đến các nghề khác hoạt động ven bờ.

Với chiều dài của lưới kéo từ 500 - 1.000m và thả sâu đến tận đáy, mắt lưới lại nhỏ nên các loại hải sản tôm, cua, cá, mực lớn bé ở giữa 2 tàu kéo gần như nằm gọn trong lưới. Kiểu đánh bắt này đã làm suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ nghiêm trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục