“Bịt lỗ hổng” gây hỏa hoạn

08:52' - 30/07/2023
BNEWS Nhằm ngăn chặn, giảm thiệt hại từ những vụ cháy trên địa bàn, các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã thành lập, phát huy tác dụng của tổ, mô hình phòng cháy, chữa cháy cộng đồng.
*Mỗi người dân là một chiến sỹ phòng cháy

Tháng 6/2023, Công an phường Trúc Bạch, quận Ba Đình đã ra mắt mô hình điểm “Khu tập thể an toàn phòng cháy, chữa cháy” đầu tiên trên địa bàn tại Khu Tập thể 101 - 103 phố Nguyễn Trường Tộ.

Theo ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, mục tiêu của mô hình là ban hành, niêm yết nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 100% người sinh sống tại khu tập thể được phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các hộ dân ký cam kết về tuân thủ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy khi sinh sống tại khu tập thể cũ trên địa bàn.

 
Tại huyện Gia Lâm, nhằm tiếp tục nhân rộng mô hình, lan tỏa phong trào với mục tiêu "an toàn phòng cháy, chữa cháy là hạnh phúc của mỗi nhà", Công an xã Đa Tốn phối hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức Hội nghị tuyên truyền về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến hội viên, đồng thời tổ chức ra mắt mô hình "Nhà tôi có bình chữa cháy". Khi tham gia mô hình, phụ nữ xã Đa Tốn được hướng dẫn thực hành sử dụng bình chữa cháy an toàn với tình huống giả định để chị em biết cách xử lý khi có đám cháy xảy ra.

Xác định an toàn phòng cháy, chữa cháy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của cơ quan, tổ chức và người dân, Công an quận Hà Đông đã triển khai đồng loạt biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. Từ ngày 19/5 đến ngày 22/7, Công an quận đã phối hợp với UBND các phường, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn quận tổ chức trên 300 buổi tập huấn, tuyên truyền đến 248/248 tổ dân phố về kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy với trên 20.000 người tham gia.

Công an huyện Đan Phượng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với UBND xã Phương Đình khảo sát xây dựng, thành lập và tổ chức ra mắt mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” và “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” tại thôn Ích Vịnh. Mỗi “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” gồm 5 hộ liền nhau. Tại Tổ, chuông báo cháy sẽ được lắp đặt, khi nhấn chuông tất cả hộ đều có thể nghe, biết để tham gia chữa cháy, không còn tình trạng “đèn nhà ai người nấy rạng” như trước đây. Tại “Điểm chữa cháy công cộng”,  tủ chữa cháy được trang bị, gồm: bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thông thường. Lực lượng chức năng hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cấp phát tài liệu, cẩm nang phòng cháy, chữa cháy trong gia đình, tải app 114 báo cháy...

*“Bịt lỗ hổng” trong phòng cháy, chữa cháy

Theo Công an thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, địa bàn thành phố xảy ra 127 vụ cháy. So với 6 tháng năm 2022, số vụ cháy, nổ xảy ra giảm trên cả 3 tiêu chí số vụ, thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản.

Đáng chú ý, Công an thành phố đánh giá, từ khi triển khai xây dựng hai mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng”, riêng tháng 5 và 6/2023 có 28 vụ việc được người dân sử dụng phương tiện tại “Điểm chữa cháy công cộng”, 6 vụ việc do các "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy" xử lý, kịp thời dập tắt đám cháy.

Đơn cử, vào đêm 17/7, một vụ cháy do chập điện xảy ra tại phường Xuân La, quận Tây Hồ được người dân và lực lượng chức năng nhanh chóng khống chế nhờ chủ động kích hoạt “Điểm chữa cháy công cộng”. Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Hà, Chủ tịch phường Xuân La, từ khi địa phương áp dụng mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” tại các ngõ, hẻm nhỏ có chiều sâu 50 mét trở lên và kết hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, trang bị thêm lăng, vòi chữa cháy, công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ trên địa bàn được nâng cao, mỗi người dân đều có khả năng xử lý đám cháy nhỏ.

Theo Công an thành phố Hà Nội, nhiều vụ cháy, nổ xảy ra ở khu dân cư, nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức chủ quan. Do đó, khi “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” được thành lập đã phát huy hiệu quả bước đầu, góp phần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng cháy, chữa cháy, hạn chế đáng kể thiệt hại từ cháy nổ gây ra.

Theo ông Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác đánh giá, nhận định, dự báo tình hình trên địa bàn, kịp thời phát hiện tồn tại, hạn chế, điểm nóng phức tạp trong công tác phòng ngừa hỏa hoạn. Từ đó, đơn vị tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp tháo gỡ, “bịt lỗ hổng” trong phòng cháy, chữa cháy.

Các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng phong trào Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” theo Kế hoạch số 53 của UBND thành phố.

Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội yêu cầu, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy trên địa bàn thành phố để chủ động trong công tác chữa cháy; phối hợp đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất UBND thành phố quan tâm đầu tư phát triển công trình cấp nước chữa cháy tại khu vực còn thiếu nhằm đáp ứng yêu cầu chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục