Bộ Công Thương cam kết tiên phong trong cải cách hành chính

20:17' - 13/12/2016
BNEWS Bộ Công Thương đã bãi bỏ hàng trăm thủ tục theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, người dân. Công tác này sẽ được toàn ngành Công Thương tiếp tục chú trọng và thực hiện quyết liệt trong năm 2017.
Toàn cảnh buổi tập huấn. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN.

Không chỉ bãi bỏ hàng trăm thủ tục theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, người dân, kiện toàn bộ máy nhân sự, tại hội nghị tập huấn về cải cách hành chính do Bộ Công Thương tổ chức ngày 13/12 tại Hà Nội, ông Trần Hữu Linh, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương khẳng định: Công tác này sẽ được toàn ngành Công Thương tiếp tục chú trọng và thực hiện quyết liệt trong năm 2017.

Theo ông Trần Hữu Linh, trong năm 2016, công tác cải cách hành chính trong thời gian qua được Bộ Công Thương hết sức quan tâm thể hiện qua việc Bộ đã ban hành nhiều văn bản về công tác cải cách hành chính như: Quyết định 1372/QĐ-BCT ngày 8/4/2016 phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 của Bộ Công Thương; Quyết định 4612/QĐ-BCT ngày 25/11/2016 ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017 của Bộ Công Thương; Quyết định 4613/QĐ-BCT ngày 25/11/2016 ban hành Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính năm 2017 của Bộ Công Thương...

Theo bản xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (par index) của Bộ Công Thương, nếu như năm 2012 chỉ số này chỉ dừng lại ở đạt 2/19 thì đến năm 2016, Bộ Công Thương cố gắng phấn đấu đạt top 10 về chỉ số xếp hạng par index trong các Bộ ngành. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào những tồn tại đang gặp phải để nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.

Năm 2017, Bộ sẽ kiện toàn bộ máy, nhiệm vụ về cải cách hành chính; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các đầu mối cải cách hành chính. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ dịch vụ công online mức độ 3 và 4; ứng dụng công nghệ thông tin, Internet quản lý văn bản, lưu trữ hồ sơ tài liệu điện tử, quản lý công việc (3 Hệ thống eMOIT, iMOIT, aMOIT).

Ông Trần Hữu Linh, Chánh văn phòng Bộ Công Thương giới thiệu về cải cách hành chính của ngành. Uyên Hương/BNEWS/TTXVN.

Bên cạnh đó, cung cấp đầy đủ thông tin trên cổng thông tin điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành của Bộ; kiểm tra ISO tại các đơn vị thuộc Bộ. Ngoài ra, hoàn thành việc áp dụng TCVN ISO 9001:2015 trong các cơ quan thuộc Bộ; nghiên cứu phương án thành lập Trung tâm Hành chính công/Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung theo tinh thần Quyết định 09/2015/QĐ-TTg về Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước.

Ông Ngô Quang Phát, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho biết, mục tiêu cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch.

Không chỉ vậy, mục tiêu này còn hướng tới việc xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả. Đặc biệt, trọng tâm là cải cách thể chế, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Quang Phát, nhìn nhận một cách khách quan, công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương còn gặp rất nhiều khó khăn, cản trở. Đây là một Bộ quản lý đa ngành, lĩnh vực nên việc tổ chức triển khai thực hiện không thể tránh khỏi những sai sót dẫn đến kết quả điều tra xã hội học dễ bị mất điểm. Chính vì vậy, người đứng đầu sẽ đóng vai trò chủ chốt trong đổi mới cải cách hành chính, sau đó mới đến sự tham gia của mọi người, của các đơn vị và phòng ban của ngành công thương./.

Xem thêm:

>> Bộ Công Thương thay đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục