Bộ Công Thương không đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép

20:42' - 03/06/2021
BNEWS Trong báo cáo gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương không đề xuất việc thành lập Quỹ Bình ổn giá thép.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 tổ chức chiều 3/6, trả lời câu hỏi về việc có thông tin cho rằng, Bộ Công Thương vừa đề xuất Chính phủ thành lập Quỹ bình ổn giá thép. Điều này theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp là phi thị trường và bất hợp lý bởi thép không nằm trong danh mục sản phẩm thiết yếu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép không phải ý kiến của Bộ Công Thương.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ngày 20/5, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi đến Chính phủ đánh giá tình hình cung-cầu thép, đánh giá tình hình giá thép trong khu vực và trên thế giới cũng như đề xuất giải pháp tác động tích cực về sự tăng giá của thép hiện nay, góp phần giảm gánh nặng về nguồn vật liệu cho các doanh nghiệp.

Trong báo cáo gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương không đề xuất việc thành lập Quỹ Bình ổn giá thép.

Trước đó, nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc yêu cầu các bộ, ngành và Bộ Công Thương báo cáo về tình hình giá thép tăng cao, đề xuất giải pháp, Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn cấp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép hàng đầu Việt Nam như: Tập đoàn Hòa Phát,  Tổng công ty Thép Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam... về vấn đề này và đã có báo cáo lên Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu và sản phẩm thép đã tăng rất cao, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xây dựng, chủ đầu tư các dự án xây dựng.

Cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Chính phủ về tình hình cung cầu sản phẩm thép năm 2020 và dự báo tình hình năm 2021.

Để từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi đối với các sản phẩm thép, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng;

Chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Cùng với đó, Bộ Công Thương theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu, các đơn vị chức năng thuộc bộ kiến nghị, ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục