Bộ Công Thương tiếp tục duy trì biện pháp chống bán phá giá với thép hình chữ H từ Malaysia

17:20' - 23/08/2021
BNEWS Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1975/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Malaysia.
Theo đó, Bộ Công Thương duy trì biện pháp chống bán phá giá đã áp dụng trước đó theo Quyết định số 1162/QĐ-BCT ngày 2 tháng 4 năm 2021.

Bộ Công Thương bắt đầu điều tra vụ việc vào ngày 24 tháng 8 năm 2020. Quá trình điều tra được thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan.

Trên cơ sở thông tin thu thập được từ các bên liên quan, Bộ Công Thương đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng mức độ bán phá giá của các sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu từ Malaysia, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước cũng như đánh giá tác động kinh tế-xã hội, gồm cả tác động tới các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng.

Theo Bộ Công Thương, sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc đã bị áp dụng thuế chống bán phá giá từ năm 2017.

Trước năm 2017, Malaysia không sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thép hình chữ H sang Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá thép hình chữ H với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Malaysia sang Việt Nam đã tăng đột biến, lên hơn 213 tỷ đồng trong năm 2019 và 848 tỷ đồng trong năm 2020.

Do đó, có dấu hiệu về việc thép hình chữ H được sản xuất tại Malaysia sau đó xuất khẩu sang Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá áp dụng đối với thép hình chữ H của Trung Quốc.

Sau khi cân nhắc tác động kinh tế-xã hội và tình hình cung-cầu hiện nay, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ Malaysia ở mức 10,64%.

Mức thuế này thấp hơn so với mức thuế đang áp dụng với thép hình H nhập khẩu từ Trung Quốc (bình quân khoảng 22%) và cũng thấp hơn nhiều so với mức thuế đề xuất của ngành sản xuất trong nước (16,30%). Quyết định áp thuế chống bán phá giá này có thể được rà soát, điều chỉnh định kỳ theo đúng quy định pháp luật.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi tác động của biện pháp phòng vệ thương mại,  sản xuất, cung cầu, giá cả… để triển khai các biện pháp ổn định thị trường thép theo đúng quy định, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất và người tiêu dùng./.

>>Chấm dứt điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp ống thép chính xác của Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục