Bộ Giáo dục và Đào tạo phản hồi ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa

20:51' - 05/06/2023
BNEWS Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản trao đổi, làm rõ ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng về một số nội dung liên quan đến sách giáo khoa.

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy được nêu ngày 1/6 vừa qua, tại Phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

 

Tổ chức 8 đoàn thanh tra quá trình lựa chọn sách của các địa phương

Liên quan đến ý kiến về sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trước một vài hạn chế, thiếu sót trong sách giáo khoa được dư luận phản ánh, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn chỉ đạo các nhà xuất bản giải trình, tiếp thu các ý kiến xác đáng được phản ánh; tổ chức rà soát nội dung sách giáo khoa, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo những nội dung cần chỉnh sửa, trình Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa xem xét, thông qua theo đúng quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT. Khi tiếp nhận báo cáo của các nhà xuất bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa rà soát, kiểm tra và có kết luận cụ thể các nội dung được phản ánh. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung quy trình biên soạn, thẩm định để nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu liên quan đến việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa ở các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện nghiêm theo quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ đã tổ chức 8 đoàn thanh tra về quá trình các tỉnh, thành phố lựa chọn sách giáo khoa. Kết quả thanh tra cho thấy, việc lựa chọn sách giáo khoa tại các địa phương đã cơ bản được tổ chức thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư sô 25/2020/TT-BGDĐT. Qua quá trình thanh tra, trao đổi, phỏng vấn với giáo viên, tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nhận được phản ánh có sức ép từ cơ quan quản lý cấp trên trong việc lựa chọn sách giáo khoa; phiếu chọn sách giáo khoa của giáo viên tại tổ chuyên môn trùng với danh sách đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp trình Hội đồng lựa chọn cấp tỉnh, trùng với phiếu nhận xét sách giáo khoa của giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà xuất bản đã cầu thị, lắng nghe các ý kiến cử tri, ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội để làm cho việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Chỉnh sửa sách giáo khoa khi chưa phát hành rộng rãi

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đặt câu hỏi: “Bộ trưởng khẳng định Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên lớp 6 của Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Nhưng theo phản ánh của giáo viên nhiều trường thì sách chưa được thay bằng sách mới. Muốn biết thông tin nào đúng, thông tin nào sai, chỉ cần kiểm tra hồ sơ thẩm định sách là rõ. Nếu sách được sửa chữa thì việc sửa chữa diễn ra vào thời gian nào? Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và biên bản của Hội đồng thẩm định quyết định phê duyệt của Bộ trưởng có hay không?”

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc chỉnh sửa sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 6 (Kết nối tri thức với cuộc sống) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 33.

Khi phát hiện có một số nội dung cần chỉnh sửa ở 3 trang (157, 160, 189), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có báo cáo để xin ý kiến Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thông qua. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo cáo Bộ về việc đã thu hồi để sửa chữa hơn 110.000 cuốn, hủy sửa in lại 38.000 cuốn.

Việc thu hồi để thay 3 trang sách có nội dung chỉnh sửa được thực hiện khi sách còn đang trong quá trình lưu kho và vận chuyển, chưa được phát hành rộng rãi đến học sinh, giáo viên; việc hủy sửa in lại được thực hiện ngay trong quá trình in ấn chưa đóng quyển bằng cách hủy các bản in có chứa các trang phải chỉnh sửa để in lại và đóng quyển. Vì vậy không có việc phải đổi sách giáo khoa cho giáo viên, học sinh đã mua sách.

Không in sách trước khi đấu thầu

Trong phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy băn khoăn việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo cáo đã in ấn 79% số lượng sách giáo khoa khối lớp 4, 8, 11 theo chương trình giáo dục phổ thông mới trước khi đưa ra đấu thầu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, không có chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in sách trước khi mở thầu. Để đáp ứng đủ sách giáo khoa mới, trong khi chờ các địa phương đăng ký số lượng sách được chọn để mở thầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, gồm cả vật tư dự phòng phát sinh phục vụ việc in và cung ứng đầy đủ sách giáo khoa.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo cáo, tính đến 30/4, đơn vị triển khai in 86% sản lượng kế hoạch in của sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 (theo chương trình giáo dục phổ thông cũ), nhập kho đạt 65% so với kế hoạch in.

Với các sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, đơn bị triển khai in 81% sản lượng theo kế hoạch, nhập kho đạt 36% so với kế hoạch in.

Riêng với sách giáo khoa lớp 4, 8, 11-sẽ triển khai năm đầu tiên vào năm học tới, Nhà xuất bản dự kiến in 51,41 triệu bản, trong đó đang triển khai mua sắm dịch vụ in với số lượng 40,44 triệu bản, tương ứng với 79% kế hoạch in dự kiến để lựa chọn nhà cung cấp và dự kiến việc in sách giáo khoa của ba lớp này sẽ hoàn tất trước 30/6/2023.

Như vậy, con số 79% theo báo cáo trên không phải số lượng sách đã in mà là số lượng nằm trong dự trù "mua sắm dịch vụ in" để lựa chọn nhà cung cấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục