Bộ Giao thông Vận tải thành lập Ban Chỉ đạo triển khai cam kết tại COP26

15:49' - 02/03/2022
BNEWS Theo xu hướng của quốc tế, để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngành giao thông vận tải phải thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính…
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định số 250/QĐ-BGTVT về việc Thành lập Ban Chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26). 
Theo đó, Ban Chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 (Ban Chỉ đạo) sẽ do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể  làm Trưởng ban; Thứ trưởng Lê Anh Tuấn là Phó Trưởng ban thường trực.
Phó Trưởng ban là các Thứ trưởng: Nguyễn Ngọc Đông, Lê Đình Thọ, Nguyễn Xuân Sang.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo, điều phối việc xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ Giao thông Vận tải để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26; giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải điều phối các hoạt động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động giao thông vận tải giữa các bộ, ngành, địa phương; giữa các lĩnh vực chuyên ngành giao thông vận tải và việc hợp tác giữa Bộ Giao thông Vận tải với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các nước.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo rà soát, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch; thúc đẩy chuyển đổi số; chủ động tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thu hút các dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển, chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh trong giao thông vận tải; thường xuyên rà soát, chủ động tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ Giao thông Vận tải để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; báo cáo, đề xuất với Trưởng ban các nội dung vượt thẩm quyền.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo tổ chức rà soát, tổng hợp, báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất kết quả tổ chức, triển khai các chương trình, kế hoạch hành động thuộc lĩnh vực quản lý theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; thực  hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.  Nhiệm vụ cụ thể của các Ủy viên do Trưởng ban phân công.
"Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trưởng ban có trách nhiệm ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo", Quyết định nêu rõ.
Theo thông báo kết luận tại cuộc họp về xây dựng kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, khí mêtan trong lĩnh vực hàng hải do Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải) chủ trì.
Để bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng chương trình, Vụ Môi trường đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam nêu rõ hiện trạng và xu thế phát triển đội tàu biển nội địa Việt Nam, hệ thống cảng biển, trang thiết bị tại các cảng biển và nhu cầu năng lượng; Xác định mục tiêu cụ thể, đối với cảng biển, định rõ thời điểm bắt buộc áp dụng trang thiết bị sử dụng năng lượng điện đối với các cảng biển đầu tư mới và lộ trình chuyển đổi sang năng lượng điện đối với các cảng biển đang hoạt động.
Cục Hàng hải nêu rõ thực tiễn chuyển đổi sử dụng năng lượng điện đối với trang thiết bị tại cảng biển Việt Nam và kinh nghiệm, xu hướng trên thế giới. Đồng thời nêu rõ thực tiễn áp dụng quy định về hiệu quả năng lượng đối với tàu biển theo quy định của IMO (Tổ chức Hàng hải quốc tế) và xu hướng chuyển đổi công nghệ động lực tàu biển sang sử dụng năng lượng xanh trên thế giới để đạt phát thải khí nhà kính bằng "0" trong hoạt động của tàu biển.
Với tàu biển nội địa, áp dụng quy định về hiệu quả năng lượng của IMO. Định rõ thời điểm tàu biển nội địa đăng ký phải đáp ứng yêu cầu đạt phát thải khí nhà kính bằng "0" khi hoạt động và lộ trình chuyển đổi đối với tàu biển nội địa Việt Nam đang khai thác.

Đối với nhiệm vụ và giải pháp, Cục Hàng hải cần tập trung đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đăng ký tàu biển, điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tàu biển nội địa.

Đồng thời, cần đề ra các chính sách ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Cục Đăng kiểm Việt Nam và Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải trong việc hoàn thiện dự thảo kế hoạch, chương trình, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan trong lĩnh vực hàng hải.
Theo xu hướng của quốc tế, để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngành giao thông vận tải phải thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, chính là chuyển đổi các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu sinh học, hydrogen, amoniac, xăng tổng hợp…; phát triển giao thông công cộng.
Hiện nay, phương tiện, thiết bị giao thông vận tải trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu... gây phát thải khí nhà kính. Tổng phát thải từ giao thông lên đến 33,2 triệu tấn, chiếm 19,3% phát thải từ lĩnh vực năng lượng.
Theo Liên Hợp Quốc, "phát thải ròng bằng 0" có nghĩa là cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, thí dụ thông qua chuyển sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo sạch. Bên cạnh đó, tất cả các khí thải còn lại phải được tái hấp thụ bởi rừng và đại dương "khỏe mạnh".
Nếu thế giới tiếp tục phát thải gây biến đổi khí hậu thì nhiệt độ Trái đất sẽ tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng này sẽ đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân trên toàn cầu. Đó là lý do ngày càng có nhiều quốc gia cam kết đưa phát thải ròng về 0 trong vài thập kỷ tới.
Đến nay, Bhutan và Suriname là 2 quốc gia duy nhất trên thế giới đã đạt phát thải ròng bằng 0. Cùng với các công ty, thành phố và thể chế tài chính trên toàn cầu, hơn 130 quốc gia đã đặt ra hoặc đang xem xét mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ 21./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục