Bộ Giao thông Vận tải trước áp lực giải ngân 37.000 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại

15:03' - 15/10/2023
BNEWS Những tháng cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải cần giải ngân 37.000 tỷ đồng. Nếu các chủ đầu tư duy trì tốc độ như tháng 9, mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao của Bộ sẽ đạt được.

Với số vốn được giao cao gấp từ 1,5-2 lần so với năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải cùng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đang gấp rút, nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch và nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao trong năm nay.

 

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2023, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn khoảng 95.222 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là 54.549 tỷ đồng, vốn trung hạn là 40.673 tỷ đồng.

Cụ thể, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải được phân bổ chủ yếu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) được bố trí hơn 17.500 tỷ đồng; dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) được bố trí gần 45.500 tỷ đồng.

Các dự án quan trọng, cấp bách được bố trí số vốn gần 1.600 tỷ đồng. Nhóm dự án ODA được bố trí hơn 7.800 tỷ đồng. Các dự án trong nước khác được phân bổ số vốn gần 27.800 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9/2023, giá trị giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải đã đạt 58.000 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch năm. Riêng tháng 9 ghi nhận sự nỗ lực lớn của các chủ đầu tư khi sản lượng giải ngân đạt 98% kế hoạch đăng ký.

"Theo tính toán, trong những tháng cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải cần giải ngân 37.000 tỷ đồng. Nếu các chủ đầu tư duy trì tốc độ giải ngân như tháng 9/2023, mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao của Bộ sẽ đạt được", ông Bùi Quang Thái nhận định.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Ban Quản lý dự án Thăng Long) cho biết, với đà giải ngân tương đối tốt ở thời điểm hiện tại của đơn vị là 70%, nhằm góp phần đảm bảo kết quả giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã nhận giải ngân thêm 400 tỷ đồng (được điều hoà trước đó từ nguồn của các đơn vị khác cho hai dự án đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) để giải ngân cho hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Cũng theo ông Phùng Tuấn Sơn, số vốn điều hoà sang hai dự án thành phần: Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng sẽ được giải ngân cho xây lắp và giải ngân thêm giá trị tạm ứng tại dự án trong khuôn khổ cho phép. Như vậy, sau đợt điều chỉnh vốn mới nhất, tổng kế hoạch vốn năm 2023 của Ban Quản lý dự án Thăng Long trong năm nay sẽ là hơn 9.500 tỷ đồng. Tính đến nay, sản lượng giải ngân theo kế hoạch vốn ban đầu (hơn 9.100 tỷ đồng) đạt hơn 68% và đạt hơn 65% theo số vốn điều chỉnh mới.

"Với những tháng còn lại, đơn vị sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban điều hành dự án và nhà thầu để tháo gỡ, đẩy nhanh các thủ tục giải ngân, phấn đấu kết quả giải ngân của Ban Quản lý dự án Thăng Long đạt trên 95%", ông Phùng Tuấn Sơn cho hay.

Trong khi đó, lãnh đạo Ban quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, các tháng cuối năm đơn vị còn phải giải ngân khoảng hơn 4.130 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại dự án cao tốc Bắc-Nam là Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (2.653,8 tỷ đồng); Quốc lộ 45-Nghi Sơn (756,5 tỷ đồng). Với quyết tâm chính trị của cả tập thể, đơn vị sẽ tập trung quyết liệt để giải ngân tối thiểu 95% tổng số vốn đã được Bộ Giao thông Vận tải giao.

Tuy nhiên, để tăng tốc tiến độ giải ngân, Ban quản lý dự án 2 kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến công tác chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án cần được tháo gỡ; giải phóng mặt bằng cần được các địa phương chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để cho các nhà thầu thi công.

Theo lãnh đạo các Ban quản lý dự án, để đáp ứng khối lượng giải ngân còn lại trong các tháng cuối năm, quy trình xử lý hồ sơ nghiệm thu, thanh toán sẽ được các Ban quản lý dự án tối ưu các bước, rút ngắn thời gian.

Trước đây, việc giải ngân thực hiện theo quy trình: Phòng dự án rà soát ở hiện trường chuyển lên phòng kỹ thuật - thẩm định và phòng kế hoạch - tổng hợp của các Ban quản lý dự án ban đánh giá, sau đó chuyển sang phòng tài chính thực hiện các thủ tục chuyên ngành, rồi gửi giám đốc các ban ký ủy nhiệm chi.

Hiện tại, sau khi được phòng dự án hiện trường xác nhận, hồ sơ chỉ cần gửi qua phòng kỹ thuật - thẩm định rà soát theo hợp đồng rồi chuyển ngay sang phòng tài chính xử lý bước tiếp theo. Nhờ vậy, thời gian xử lý hồ sơ giải ngân cho nhà thầu được rút ngắn chỉ còn 1 - 2 ngày.

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm của Bộ Giao thông Vận tải còn rất nặng nề, đặc biệt là 40% khối lượng giải ngân vốn đầu công còn lại, vì vậy, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thành nhiệm vụ này.

Với các dự án đang triển khai thi công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải bám sát công trường, phối hợp tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, bãi đổ thải, vật liệu, chuyển đổi đất rừng, đất lúa, hỗ trợ các nhà thầu trong thủ tục nghiệm thu, thanh toán, ngăn chặn những trường hợp gây nhũng nhiễu trong thực hiện thủ tục giải ngân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các Cục quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện gắn với tiến độ giải ngân, đặc biệt quan tâm đến chất lượng công trình. Vị trí nào thấy có dấu hiệu bất thường thì kiểm tra ngay để đánh giá, có phương án xử lý kịp thời.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, dù tiến độ giải ngân vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước, tuy nhiên để giải ngân hết số vốn còn lại (khoảng 37.000 tỷ đồng) trong các tháng cuối năm là thách thức rất lớn đối với ngành.

Muốn làm được, cần sự nỗ lực, quyết tâm, đổi mới trong triển khai thực hiện của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án và sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ của các cơ quan tham mưu. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng phải hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng, thủ tục chuyển đổi đất rừng…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục