Bộ Giao thông Vận tải xử lý bất cập các dự án BOT

15:40' - 10/11/2017
BNEWS Hiện nay việc rà soát, xử lý các bất cập của các dự án BOT và sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang được Bộ Giao thông Vận tải xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công.Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Hiện nay việc rà soát, xử lý các bất cập của các dự án BOT và sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang được Bộ Giao thông Vận tải xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xung quanh vấn đề này.
-Phóng viên: Vừa qua, Chính phủ ra Nghị quyết yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì rà soát và xử lý các bất cập liên quan đến các vấn đề bức xúc về BOT. Vậy, đến thời điểm này, việc thực hiện của Bộ về Nghị quyết của Chính phủ như thế nào?
-Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 25/9/2017 Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 10843/BGTVT-ĐTCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, đánh giá tổng mức đầu tư và thời gian thu giá dịch vụ công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT, đề xuất giải pháp xử lý.
Báo cáo được dựa trên kết quả hội nghị tổng kết 5 năm đầu tư theo hình thức BOT, BT của Bộ Giao thông Vận tải, kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán và báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua là sự bất cập về chính sách phí (nay là giá sử dụng dịch vụ đường bộ) tại các dự án BOT.

Việc triển khai các dự án cơ bản đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định pháp luật, tuy nhiên trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện chưa lường hết các bất cập và ảnh hưởng.
Với một số tồn tại trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án BOT qua kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm và đã cập nhật điều chỉnh các sai sót, nhầm lẫn theo ý kiến kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán.

Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các tập thể, cá nhân có liên quan tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định.
-Phóng viên: Trong những năm qua, Bộ Giao thông Vận tải là một trong những đơn vị dẫn đầu về sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Xin ông cho biết kết quả thực hiện việc trong thời gian qua?
-Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai sắp xếp, cổ phần hóa 148 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm 16 tổng công ty và 132 công ty con, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ); trong đó: 134 doanh nghiệp, đơn vị đã hoàn thành sắp xếp, chuyển đổi sang hoạt động là công ty cổ phần.
Đối với 14 đơn vị còn lại, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã dừng triển khai cổ phần hóa đối với 3 đơn vị sự nghiệp công lập: Học viện hàng không Việt Nam, Trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải Thăng Long, Bệnh viện Nam Thăng Long;
Đang thực hiện xác định lại giá trị doanh nghiệp Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng kết mô hình hoạt động của 2 Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM); Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu, xử lý tài chính đối với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) và 7 đơn vị thành viên. 

Cùng với sắp xếp, cổ phần hóa, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành chuyển giao phần vốn nhà nước tại 18 công ty cổ phần với giá trị theo mệnh giá trên 1.236 tỷ đồng về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo quy định.

Các doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện quyết toán, bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần, riêng đối với Tổng công ty Xây dựng đường thủy – CTCP hiện có một số tồn tại về tài chính cần tiếp tục được xử lý./.
-Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục