Bộ NN và PTNT lên tiếng về việc biển xe hộ đê giả

19:12' - 28/09/2018
BNEWS Ông Trần Quang Hoài, Tổng trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai thừa nhận, biển xe hộ đê giả là vấn đề nhức nhối, Tổng cục đã xác minh về vấn đề này.
Họp báo về tình hình hoạt động của ngành nông nghiệp, chiều 28/9/2018, tại Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 28/9, đại diện một số đơn vị trong ngành nông nghiệp đã giải đáp nhiều vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm.

Cụ thể, trước thông tin dư luận phản ảnh về tình trạng có nhiều xe ô tô sử dụng biển “xe hộ đê” để trốn mua vé, lách luật tại các trạm thu phí đường bộ trên cao tốc, ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, đến thời điểm này đã cấp 568 biển trên tổng số 858 xe đề nghị. Việc cấp biển có quy định chặt chẽ và được Tổng cục thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Mặc dù vậy, ông Trần Quang Hoài, Tổng trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng thừa nhận, biển xe hộ đê giả là vấn đề nhức nhối, Tổng cục đã xác minh về vấn đề này.

Qua xác minh có biển xe cũ năm nay không được cấp nhưng vẫn sử dụng; tình trạng làm giả mẫu, con dấu,… thậm chí có xe dùng con dấu chữ ký giả của người đã về hưu.

Để phòng ngừa tình trạng trên, ông Trần Quang Hoài cho biết, hàng năm, Tổng cục có thay đổi mẫu, dùng biển chống giả.

Tổng cục đã yêu cầu các đơn vị chỉ được ưu tiên và sử dụng khi thực thi nhiệm vụ. Những đơn vị được cấp biển phải thực thi nghiêm túc nhiệm vụ của mình. Riêng với Hải Dương - địa phương được cấp trên 200 xe hộ đê đã có văn bản giải trình.

Hiện Tổng cục đã yêu cầu các địa phương báo cáo số lượng cấp xe được cấp và yêu cầu chấn chỉnh việc sử dụng xe ưu tiên. Tổng cục cũng đã gửi sang Bộ Công an những biển xe có không đúng và đề nghị các trạm kiểm soát cũng như các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý theo quy định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình giá thịt lợn tăng mạnh, Bộ sẽ có giải pháp gì để bình ổn giá?, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, từ nay đến cuối năm thịt lợn sẽ không thiếu nguồn cung. Việc tăng giá là bình thường theo cơ chế theo thị trường.

Từ tháng 4 chăn nuôi bắt đầu hồi phục, người chăn nuôi tái đàn mạnh nên những tháng cuối năm nguồn cung thịt lợn sẽ tăng lên.

Năm nay, những sản phẩm khác của chăn nuôi cũng rất được mùa như gia cầm, trứng, sữa… Điều này sẽ giảm áp lực lên nguồn cung thịt lợn.

Trước thông tin dư luận cho rằng đã xuất hiện dịch tả lợn giống Dịch tả lợn châu Phi tại Nam Định, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy mẫu và khẳng định hoàn toàn âm tính với 4 cơ quan kiểm định. Nguyên nhân là những con lợn trên bị bệnh tai xanh và tiêu chảy.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng khẳng định, Việt Nam chưa phát hiện dấu hiệu loại bênh này và việc phòng là chính. Bộ đã tổ chức các đơn vị kiểm nghiệm sẵn sàng những thiết bị kiểm nghiệm những điểm nghi ngờ.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật thông tin với Tổ chức Thú y thế giới. Hiện nay, các quốc gia bị bệnh này chưa kiểm soát được và có chiều hướng mở rộng.

Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, các cửa khẩu kể cả hàng không, đường biển; đồng thời tổ chức 8 đoàn đi kiểm tra và tiếp tục có các đoàn kiểm tra tình hình cũng như việc phòng chống loại bệnh này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.

Với nhiều luồng ý kiến trái chiều về Dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, đây là dự án lớn gắn với những vấn đề môi trường, đời sống với bà con trong vùng. Bộ trân trọng tiếp thu lắng nghe các tổ chức khoa học góp ý cho dự án.

Bộ cũng chỉ đạo trong tháng 10 này phải hoàn thiện tiếp thu các ý kiến đóng góp để gửi Bộ Tài nguyên môi trường thẩm định, đánh giá tác động môi trường rồi mới triển khai dự án.

Riêng thuỷ sản, từ ngày 28/9, EC có đoàn công tác sang làm việc và kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không được quản lý, không có báo cáo (IUU) tại Việt Nam.

Dự kiến tháng 1/2019, Đoàn Thanh tra EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Trên cơ sở kiểm tra đánh giá, EC sẽ xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng” đối với Việt Nam.

Trước tình hình trên, Tổng cục Thủy sản cho biết, Tổng cục tiếp tục hướng dẫn các địa phương tăng cường việc quản lý, truy xuất nguồn gốc trong khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

Nhiều địa phương, các phương tiện cũng đã ký cam kết không đánh bắt bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài. Bộ đã và tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra về chống khai thác bất hợp pháp tại một số địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục