Bộ Công Thương nói gì về đề xuất phát triển Trung tâm Điện lực Long An

11:26' - 31/08/2018
BNEWS Địa phương khi đề xuất phải chứng minh được phương án cấp khí, kho cảng cấp khí ở đâu, tuyến luồng lạch và sơ bộ hiệu quả kinh tế của dự án.
Nhiệt điện than thời gian tới vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong thời gian qua, liên quan đến việc phát triển Trung tâm Điện lực Long An, nhiều ý kiến tại địa phương này đã kiến nghị chuyển từ xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than sang chạy khí do lo ngại về ô nhiễm môi trường. Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã có ý kiến trả lời về vấn đề này.

Theo ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hiện nay, tỉnh Long An mới đề nghị xét duyệt Trung tâm điện lực đó là chạy khí. “Về phía Bộ Công Thương, tôi cho rằng chưa đủ điều kiện. Bởi địa phương khi đề xuất chuyển từ nhiệt điện than sang dùng khí thì phải chứng minh được phương án cấp khí vận hành như thế nào, kho cảng cấp khí ở đâu, tuyến luồng lạch ra sao và sơ bộ hiệu quả kinh tế mà dự án đem lại có đáp ứng được không ?”.

Ông Lê Văn Lực cũng cho hay, về nhiệt điện khí vẫn chiếm tỷ lệ từ 16 - 17% trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam. Hiện nay, nguồn khí trong nước, các mỏ đã khai thác dần cạn kiệt, từ các năm 2019 - 2020 phải tìm nguồn khí bổ sung. Một số dự án điện khí, sử dụng khí khai thác các mỏ trong nước như Khí lô B, Cá Voi Xanh, kế hoạch đến 2021 - 2022 (Dự án Ô môn III, IV), 2023 - 2024 (dự án Dung Quất, Chu Lai) mới có thể đưa vào vận hành. Trong Quy hoạch Điện 7 hiệu chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt, đã bổ sung nguồn khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu cung cấp cho các dự án điện phía Nam...

Mặc dù vậy, các dự án điện khí thường có giá thành cao, theo tính toán sơ bộ, đối với các dự án điện khí sử dụng từ hai mỏ lô B, Cá Voi Xanh, giá điện trung bình từ 2.300 – 2.500 đồng/kWh. Còn dự án sử dụng khí LNG nhập khẩu, giá điện hiện khoảng 10 cent/kWh, giá khí phụ thuộc vào thị trường thế giới.

“Nếu Bộ Công Thương phê duyệt trung tâm này là điện khí và bắt buộc phải làm thì tàu chở khí LNG sẽ vào chỗ nào rồi từ đó, sẽ vận chuyển đi qua những vùng nào, chiều dài bao nhiêu km, quãng đường ra sao... ? Bộ cũng chưa biết cụ thể các vấn đề này thì chưa thể duyệt được. Đây chỉ là phía tỉnh kiến nghị." ông Lực nói.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay, vừa rồi cũng có nhà đầu tư của Mỹ, đến Bạc Liêu để xin đầu tư nhà máy điện khí, làm ngoài biển và đấu nối cáp vào hệ thống đất liền. Nhưng đến nay, Bộ Công Thương cũng chưa gặp nhà đầu tư để tìm hiểu cụ thể. Nhà đầu tư phải có báo cáo cụ thể sẽ làm gì, làm thế nào, địa điểm, quy mô, các điều kiện công nghệ, kỹ thuật, tài chính, giá điện là bao nhiêu...? thì Bộ mới có hồ sơ để xem và có ý kiến. Nếu dự án khả thi và giá điện chỉ khoảng 7 cent/kWh sẽ là được. Ông Lực chia sẻ.

Theo quy hoạch, Trung tâm điện lực Long An sẽ được xây dựng tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước trên tổng diện tích hơn 360 ha. Quy mô 2 nhà máy Long An 1 và 2 có tổng công suất khoảng 2.800 MW, sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn – USC. Các dự án khi đi vào vận hành hàng năm sẽ sản xuất khoảng 17 tỷ kWh, góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, dự án này đang vấp phải nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần cho rằng, Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện cho Long An phát triển điện lực để phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, mong muốn Bộ sẽ nghiên cứu thay thế nhiệt điện khí, vì đây là điều kiện tốt nhất cho Long An.

Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định tôn trọng quyết định của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An trong dự án này. Bộ Công Thương cũng thống nhất quan điểm không đánh đổi môi trường lấy dự án phát triển kinh tế. Theo đó, khi xem xét dự án này, cần cân nhắc đến hiệu quả cũng như bảo vệ môi trường.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục