Bộ Tài chính đề nghị tham gia xử lý khó khăn để giải phóng hàng ở cảng Cát Lái

20:24' - 04/08/2021
BNEWS Ngày 4/8, Bộ Tài chính đã có công văn số 8708/BTC-TCHQ gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc tham gia xử lý khó khăn để giải phóng hàng ở cảng Cát Lái.

Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái diễn ra trong thời gian qua, ngày 4/8, Bộ Tài chính đã có công văn số 8708/BTC-TCHQ gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc tham gia xử lý khó khăn để giải phóng hàng ở cảng Cát Lái.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải có kế hoạch điều tiết các hãng tàu/đại lý hãng tàu, hàng hóa vận chuyển đến cảng Cát Lái và các cảng biển khác tại Việt Nam phù hợp để giải quyết tình trạng hàng hóa ùn tắc tại cảng Cát Lái.

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo cơ chế một cửa Quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; quản lý, vận hành, trao đổi, chia sẻ dữ liệu thông qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia thực hiện theo quy định tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ.

Với vai trò là đơn vị chủ trì, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa Quốc gia.

Tính đến tháng 6/2021, cơ chế một cửa Quốc gia đã có 226 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 3,93 triệu bộ hồ sơ của hơn 48.000 doanh nghiệp và đang tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục đối với hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu với chức năng tiếp nhận chứng từ điện tử, thông tin khai và các thông tin có liên quan, xác thực chữ ký số của người khai và các cơ quan xử lý; …

Như vậy, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, theo Bộ Tài chính Cổng thông tin một cửa Quốc gia đã hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước có liên quan.

Về thực hiện hồ sơ hải quan, Bộ Tài chính cho biết, người khai hải quan phải khai đầy đủ các thông tin trên tờ khai hải quan theo các chỉ tiêu thông tin quy định cho cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; hồ sơ khai bổ sung; hồ sơ xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan… phải nộp cho cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan này có thể ở dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy được chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số).

Trường hợp theo quy định phải nộp bản chính các chứng từ dưới dạng giấy thì bản chính đó phải được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính cho cơ quan Hải quan.

Bộ Tài chính cho biết, quy định pháp luật hiện nay đã đầy đủ các quy định về việc nộp chứng từ điện tử (bản scan) cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục. Trường hợp các chứng từ được cấp trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia, cơ quan Hải quan sẽ căn cứ chứng từ trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia để giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp và không yêu cầu xuất trình hồ sơ giấy. Trường hợp theo quy định phải nộp bản chính các chứng từ dưới dạng giấy thì người khai hải quan có thể lựa chọn gửi qua đường bưu chính cho cơ quan Hải quan để giải quyết thủ tục hải quan.

Đối với việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 để hướng dẫn thực hiện.

Theo đó, đối với trường hợp phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) chính cho cơ quan Hải quan, trường hợp chưa có bản chính tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan được nộp bản chụp/bản scan C/O cho cơ quan Hải quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp lệ của bản chụp/bản scan C/O.

Cơ quan Hải quan căn cứ bản chụp/bản scan C/O, hồ sơ hải quan, thực tế hàng hóa, hành trình lô hàng và những thông tin khác có liên quan để kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa và quyết định thông quan hàng hóa. Người khai hải quan chịu trách nhiệm nộp lại bản chính C/O trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu.

Trước đó, ngày 2/8, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan có công văn số 3847/TCHQ-GSQL chỉ đạo cơ quan Hải quan phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai áp dụng thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Cụ thể, hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng Cát Lái được vận chuyển đến cảng biển khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các cảng cạn/ICD tại các tỉnh, thành phố khác để lưu giữ gồm: Hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai được vận chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch; Hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương được vận chuyển về ICD Tân Cảng Sóng Thần; Hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh miền Tây được vận chuyển về cảng Tân Cảng Hiệp Phước.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, lượng container xuất nhập tàu, giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận container liên tục giảm so với cùng kỳ khi chưa giãn cách, dẫn tới lượng hàng tồn tại cảng Cát Lái tăng cao.

Lượng hàng, container tồn bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, nhất là dung lượng dành cho hàng nhập chạm ngưỡng 100% công suất.

Tân Cảng Sài Gòn kiến nghị Tổng cục Hải quan có cơ chế cho phép chuyển hàng nhập khẩu và container tồn trên 90 ngày từ cảng Cát Lái về lưu giữ, giao cho khách hàng và thanh lý tại các cảng cơ sở của Tân Cảng Sài Gòn là Tân Cảng Hiệp Phước (Tp. Hồ Chí Minh), các ICD (cảng nội địa) Tân Cảng Long Bình, ICD Tân Cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai) và ICD Tân Cảng Sóng Thần (Bình Dương)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục