Bộ Tài chính: Giảm thuế bảo vệ môi trường giúp giảm CPI bình quân từ 0,6-0,7%

20:17' - 03/03/2022
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp giảm CPI bình quân từ 0,6-0,7%.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, trả lời về việc Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu 1.000 đồng/lít liệu có đủ hiệu ứng đối với người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, về tác động giảm thuế bảo vệ môi trường đối với CPI, lạm phát và tăng trưởng kinh tế, với giá bán lẻ ổn định như mức hiện tại, thì giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân là 0,6-0,7%.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, theo chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan để xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn. Theo đó, xăng được đề xuất mức giảm sâu nhất là 1.000 đồng/lít, dự kiến thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 3.000 đồng/lít, thay cho mức hiện hành là 4.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu có chung đề xuất với mức giảm là 500 đồng/lít, diesel còn 1.500 đồng/lít, dầu hỏa 500 đồng/lít, dầu mazut 1.500 đồng/lít, dầu nhờn 1.500 đồng/lít, mỡ nhờn 1.500 đồng/kg.

Về đánh giá tác động của việc giảm thuế, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay với sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm 2022 giả định tương đương năm 2019 thì, số thu thuế bảo vệ môi trường giảm 14.524 tỷ đồng. Tác động giảm thu ngân sách nhà nước gồm cả thuế VAT là 15.976 tỷ đồng; thu ngân sách bình quân 1 tháng giảm 1.331 tỷ đồng. Tính riêng nếu áp dụng chính sách này từ 1/4/2022 thì giảm thu ngân sách khoảng 11.982 tỷ đồng.

Về tác động tới người dân, doanh nghiệp, với chính sách này góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp, giúp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân. “Đây mới là dự thảo đề án đang lấy ý kiến bộ, ngành và cơ quan liên quan, mong nhận được nhiều đóng góp, ý kiến để báo cáo các cấp nhằm có phương án sửa đổi phù hợp”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Về giải pháp kiềm chế lạm phát trước tác động giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Ban chỉ đạo điều hành giá đã họp bàn, thống nhất các giải pháp. Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022 về công tác điều hành giá năm 2022.

Căn cứ vào tình hình thực tế, triển khai các giải pháp giữ vững bình ổn giá trong điều kiện có thể để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống người dân, phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Cùng đó, tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, phối hợp hài hòa giữa chính tài khóa với chính sách tiền tệ, đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác; kiểm soát các lạm phát cơ bản tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát chung.

Cùng với theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, bảo đảm cân đối cung-cầu, không thể để thiếu, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đầu mối nhập khẩu để nhập khẩu hợp lý, tiết kiệm ngoại tệ, bảo đảm nhu cầu trong nước. Về giá cả, cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, giám sát, điều hành, kiểm soát giá theo đúng quy định của pháp luật về giá, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch.

Đối với một số dịch vụ công nhà nước định giá theo lộ trình thị trường, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, chuẩn bị các yêu tố để có giải pháp phù hợp trong điều kiện thích hợp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính bám sát nội dung Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03/12/2021 của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu dự thảo Luật giá (sửa đổi) theo đúng tiến độ, bảo đảm đồng bộ, toàn diện, quyền lợi hợp pháp của người dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giá.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành theo dõi quản lý giá một số mặt hàng như: điện, thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, vật tư y tế, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh… theo đúng văn bản 882/VPCP-KTTH, tránh tình trạng tác động cộng hưởng đối với công tác điều hành giá thời gian tới.

Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đặc biệt là kiểm tra các yếu tố hình thành giá đối với những mặt hàng không thuộc diện kê khai giá; phát huy vai trò của lực lượng thanh tra chuyên ngành, thanh tra địa phương, quản lý thị trường, cùng với báo chí tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục