Bộ Tài chính: Nguồn lực tài chính ưu tiên đầu tư cho giáo dục

21:02' - 13/03/2022
BNEWS Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn xác định giáo dục đào tạo là quốc sách, đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.

Theo đó, cử tri Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cần xem xét bổ sung nguồn lực tài chính để đầu tư cho giáo dục bởi theo cử tri, thực tế hiện nay, nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực giáo dục còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu để phát triển giáo dục của cả nước.

Cử tri Hải Phòng cũng đề nghị Chính phủ quan tâm phân bổ ngân sách, điều chỉnh đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo để đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo, tăng cường năng lực, khả năng ứng phó phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Tài chính cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn xác định giáo dục đào tạo là quốc sách, đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.

Chính vì vậy, trong tổng thể đầu tư nguồn lực tài chính nhà nước (bao gồm ngân sách nhà nước) cho phát triển đất nước đã ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, một trong những lĩnh vực được đầu tư lớn nhất.

Bên cạnh đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để tăng cường đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, từng bước đáp ứng yêu cầu để phát triển giáo dục của cả nước.

Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 để điều chỉnh về đầu tư công, trong đó có đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Theo Bộ Tài chính, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục đào tạo như sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ưu tiên cho các mục tiêu đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế công lập và bổ sung thêm đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến năm 2020.

Cùng với đó là các chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên; các chính sách về cấp học bổng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê chỗ ở, hỗ trợ gạo... cho học sinh, sinh viên; trong đó ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là người các dân tộc ít người…

Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục