Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nói gì về việc lạm thu xuất khẩu lao động?

18:57' - 05/06/2018
BNEWS Tình trạng cò mồi, môi giới, lạm thu phí, trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra là có. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có bước chấn chỉnh những việc này

[05/06/2018 11:09:22] Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải đáp một số câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề đảm bảo quyền lợi, nâng cao chất lượng lao động Việt Nam ở nước ngoài.

*Nâng cao chất lượng lao động

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu lên tình trạng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với người lao động, cung cấp thông tin sai, “đem con bỏ chợ” khiến người lao động lâm vào hoàn cảnh bơ vơ, quay về nước thì mang công mắc nợ, đã nghèo lại nghèo thêm.

Mặt khác ở một số thị trường lao động tốt lại có hiện tượng nhiều lao động xuất khẩu trốn việc ở công ty đã ký hợp đồng ra làm cho công ty khác hoặc ở lại nước bạn không hợp pháp làm ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hợp tác lao động của nước ta với những nước này.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết trách nhiệm trong việc này; giải pháp nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, khắc phục những bất cập.

Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc đưa người lao động Việt Nam đi lao động và làm việc ở nước ngoài là chủ trương của Đảng và Nhà nước. “Trong chương trình quốc gia về giải quyết việc làm cho tuổi trẻ, cho thanh niên, chúng ta có đặt ra mục tiêu phấn đấu có khoảng 1 triệu thanh niên, người lao động được đi lao động, học tập ở nước ngoài.

Đến nay, đã có khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam ở nước ngoài; con số này gần đây có tăng lên. Đặc biệt, năm 2017, có 134 nghìn lao động xuất khẩu, tương đương 128% so với chỉ tiêu đặt ra”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Theo Bộ trưởng, quan trọng là các thị trường tiềm năng những năm trước đây khó khăn như Hàn Quốc, sau 4 năm gián đoạn đã nối lại được. Lần đầu tiên, Việt Nam ký kết cấp quốc gia về lao động với Nhật Bản (Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi Nhật Bản-PV).

Xuất khẩu lao động mỗi năm giải quyết hơn 100 nghìn lao động, thu nhập bình quân xấp xỉ 3 tỷ USD, trong đó thu nhập địa phương cao nhất hiện nay là Nghệ An với 250 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, tại các thị trường tiềm năng, thu nhập cao lại có hiện tượng lao động Việt Nam bỏ trốn, kết thúc hợp đồng nhưng không về nước, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc với tỷ lệ bỏ trốn vào năm cao nhất lên tới 55%. Chính vậy, 4 năm liền, Hàn Quốc không ký lại biên bản ghi nhớ tuyển dụng lao động Việt Nam.

Một nguyên nhân rất quan trọng theo Bộ trưởng, số lao động ở lại cao vì các chủ doanh nghiệp nước bạn cũng có nhu cầu trong khi lượng lao động hết thời hạn này có tay nghề cao, trốn được thuế, cơ hội quay trở lại khi về Việt Nam là khó...Sau một thời gian kiên trì từ hai phía, hiện tỷ lệ người Việt Nam trốn ở lại Hàn Quốc giảm xuống còn 33%.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Man chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước tình hình nhiều lao động Việt Nam hết hợp đồng nhưng vẫn trốn ở lại lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, phía bạn đã yêu cầu tất cả những huyện có tỷ lệ lao động bỏ trốn trên 30% sẽ không được tuyển dụng. Năm 2016 có 12 tỉnh và 58 huyện có trên 30% lao động trốn ở lại, đến năm 2018 số này giảm đi, hiện còn 49 huyện.

Về thị trường lao động Arab Saudi, theo Bộ trưởng, hiện nay có khoảng 9 nghìn lao động đang làm việc ở đây, chủ yếu làm giúp việc gia đình. Đặc thù của thị trường này rất nhạy cảm, sức ép lớn nhưng lại có thuận lợi là yêu cầu đối với lao động tương đối đơn giản, không cần nhiều ngoại ngữ, trước khi đi, các lao động còn được cấp 4 nghìn USD trong đó 2 nghìn USD dành cho doanh nghiệp và 2 nghìn USD dành cho người lao động.

Các lao động đi xuất khẩu thị trường này phần lớn cũng khó khăn, không đi được chương trình EPS (Chương trình hợp tác với Hàn Quốc), IM Japan (Chương trình hợp tác với Nhật Bản). Tuy nhiên, về phía Bộ thì cho rằng đây là thị trường rủi ro, nảy sinh nhiều hệ lụy nên đã đưa ra một số cảnh báo với các doanh nghiệp, khuyến cáo với nhân dân hạn chế đi khu vực này.

*Xử lý tình trạng cò mồi, môi giới, lạm thu phí lao động xuất khẩu

Đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa Vũng Tàu) nêu vấn đề, trong thời qua, nhiều văn phòng, công ty xuất khẩu lao động trái phép, công ty cò thành lập tràn lan, đăng tải thông tin tuyển dụng xuất khẩu lao động trên internet, lừa gạt lấy tiền người lao động rồi bỏ trốn. Việc này đã làm không ít người lao động lao đao, rơi vào cảnh nợ nần, đặc biệt tại vùng sâu xa, vùng núi, dân tộc thiểu số.

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Báo cáo năm 2016, 2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, qua kiểm tra 60 doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi lao động, làm việc ở nước ngoài thì có tới 42 doanh nghiệp vi phạm.

Về việc này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Bên cạnh việc tạo điều kiện tối đa cho người lao động được đi lao động và làm việc ở nước ngoài, Bộ cũng tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động trong khuôn khổ pháp luật để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các thị trường, đưa được nhiều người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Gần đây, việc phát triển các doanh nghiệp loại này tương đối nhanh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cần hết sức thận trọng. Thời gian qua, Bộ “gỡ” được nhiều rắc rối cho doanh nghiệp nhưng cũng chấn chỉnh nhiều hoạt động của các doanh nghiệp này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Thực trạng hai đại biểu nêu là có thật. Tình trạng cò mồi, môi giới, lạm thu phí, trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra là có. Bộ đã có bước chấn chỉnh những việc này”.

Theo đó, trước hết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hai văn bản chỉ đạo vấn đề này. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa ra chỉ thị giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành trong đó có việc giải quyết những bất cập đang tồn tại của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Để xử lý cũng như ngăn chặn việc này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức cuộc gặp mặt đối thoại với 282 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp khi tổ chức tìm lao động tại các địa phương phải thông báo công khai với các địa phương về nhu cầu, mức thu, lệ phí thu, địa bàn cũng như công việc của người lao động khi tiếp cận thị trường.

Bộ cũng công khai mức phí của từng địa bàn trong đó bao gồm phí môi giới, lệ phí phía nước ngoài thu, đóng góp của người lao động. Riêng đối với hai chương trình EPS (Chương trình hợp tác với Hàn Quốc), IM Japan (Chương trình hợp tác với Nhật Bản) là phi lợi nhuận.

Cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Bộ đã tiến hành thanh tra 51 doanh nghiệp xuất khẩu lao động, phát hiện 338 sai phạm, ban hành 24 quyết định xử phạt hành chính, trong năm 2017 là 3 tỷ đồng; đồng thời, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của 5 doanh nghiệp; đình chỉ tạm thời 25 doanh nghiệp...

Thời gian tới, theo Bộ trưởng, những sai phạm sẽ tiếp tục được chấn chỉnh theo hướng phối hợp chặt chẽ với các địa phương, giám sát kỹ các doanh nghiệp, thu phí công khai minh bạch, có sự phối hợp với thị trường sử dụng lao động; tạm dừng, thu hồi giấy phép đối với doanh nghiệp xuất khẩu lao động vi phạm pháp luật nhất là không đảm bảo chăm lo cho người lao động ở nước ngoài./.

>>> Ngăn chặn xuất khẩu lao động trái phép sau Tết Nguyên đán

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục