Bộ trưởng Mỹ kêu gọi IMF học cách làm nhiều hơn với bộ máy “gọn nhẹ”

17:30' - 11/04/2019
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giống như nhiều chính phủ trên thế giới, cần phải học cách làm nhiều hơn với bộ máy “gọn nhẹ” và làm việc hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ trưởng Mnuchin, một trong số những cải cách cần thiết là tập trung vào các điều kiện để hỗ trợ tài chính và đánh giá khả năng của các nước trong quản lý nợ.

Số những lời kêu gọi “minh bạch về nợ nần" đã tăng lên trước thềm cuộc họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), diễn ra trong tuần này giữa bối cảnh nhiều người lo ngại rằng việc Trung Quốc tăng cường cho các quốc gia đang phát triển vay có thể "gieo rắc mầm mống" cuộc xung đột tài chính.

Bộ trưởng Mnuchin đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường giám sát các quốc gia thành viên, bao gồm các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn, "để đảm bảo với các thành viên rằng họ đang thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cốt lõi của mình."

Ông Mnuchin cũng viện dẫn trường hợp của Argentina, hiện đang thực hiện chương trình viện trợ trị giá khoảng 56 tỷ USD của IMF, và cho hay những yêu cầu "giải quyết các điểm yếu trong chính sách tiền tệ và tài chính đã giúp ổn định thị trường tài chính, đưa nền kinh tế đi đúng hướng để tăng trưởng trở lại”.

Ông Mnuchin cho biết thêm IMF hiện có đủ nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ của mình, vì vậy không cần phải tăng sự đóng góp từ các thành viên. Song ông ủng hộ việc đổi mới và gia hạn chương trình vay tiền từ các thành viên trong trường hợp khủng hoảng xảy ra.

Tin tức cho hay Quỹ Tiền tệ quốc tế vừa cảnh báo nợ công ty và nợ chính phủ gia tăng cộng với việc ngày càng có nhiều các khoản cho vay rủi ro hơn là những nguyên nhân có thể khiến nền kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương và đối diện với nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng khác.

Trong báo cáo Ổn định Tài chính toàn cầu công bố nửa năm một lần, IMF nêu rõ các nền kinh tế thị trường phát triển và mới nổi ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm và những điểm yếu này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu tăng trưởng chậm lại hoặc các ngân hàng tăng mạnh lãi suất.

IMF nhấn mạnh nhiều chính phủ và công ty, ở cả các nước phát triển và đang phát triển, đang ngập trong nợ. Ở Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, tỷ lệ nợ công tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, ở nhiều nước châu Âu, các ngân hàng cũng đang phải "gánh" quá nhiều trái phiếu chính phủ.

Phát biểu với báo giới, ông Tobias Adrian, Trưởng Bộ phận Thị trường tiền tệ và vốn của IMF, cảnh báo các chính phủ sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc cân bằng nhu cầu tăng cường quản lý, giám sát trong lĩnh vực tài chính giữa lúc kinh tế toàn cầu đang chững lại. Ngoài ra, căng thẳng thương mại leo thang và nguy cơ nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong hỗn loạn cũng làm tổn hại niềm tin của các nhà đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục