Bộ trưởng Tài chính Mỹ lạc quan về động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới

15:26' - 27/02/2024
BNEWS Tại cuộc họp báo ngày 27/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ là "động lực chính" để kinh tế toàn cầu đạt mức tăng trưởng vượt dự báo.

Đây là một phần nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Janet Yellen trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Sao Paolo, Brazil.

 

Trong bài phát biểu này, Bộ trưởng Yellen sẽ đề cập đến thực tế kinh tế toàn cầu trong năm 2023 đã không suy thoái rộng rãi như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức khác dự báo. Thay vào đó, kinh tế thế giới tăng trưởng 3,1%, vượt kỳ vọng và lạm phát giảm với dự báo giá cả sẽ tiếp tục giảm trong năm nay ở khoảng 80% nền kinh tế.

Theo bà Yellen, Mỹ vẫn nhận thức rõ những rủi ro đối với triển vọng toàn cầu và tiếp tục theo dõi chặt chẽ những thách thức kinh tế ở một số quốc gia nhất định, nhưng bà đánh giá nền kinh tế toàn cầu vẫn thể hiện sức chống chịu tốt. 

Bà cho rằng chính sức mạnh kinh tế của Mỹ đã hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu, nhờ các chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và đầu tư vào sản xuất trong nước, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng.

Bà Yellen cũng đề cập đến thực tế tăng trưởng Mỹ vẫn luôn vượt qua mức dự báo. Theo bà, nếu Mỹ rơi vào suy thoái vào năm 2023, giống như nhiều dự đoán, tăng trưởng toàn cầu sẽ bị chệch hướng.

Trước đó, IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 12/2 cảnh báo rằng xung đột tại Gaza và các vụ tấn công có liên quan nhằm vào việc vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ đặt ra những mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu.

Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, xung đột Israel - Hamas nổ ra từ tháng 10/2023 đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Các chính phủ Thế giới, một hội nghị thường niên quy tụ các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp tại Dubai (UAE), bà Georgieva nhấn mạnh rằng những tác động dây chuyền của cuộc xung đột có thể ảnh hưởng đến cả thế giới khi tình trạng này kéo dài hơn.

Bà Gieorgieva lo ngại nguy cơ xung đột kéo dài sẽ lan rộng ra, như nguy cơ hiện nay tại Kênh đào Suez khi lực lượng Houthi ở Yemen (I-ê-men) đã tấn công hoạt động vận chuyển hàng hóa tại Biển Đỏ hướng đến hành lang hàng hải quan trọng này. Bà Georgieva cảnh báo nếu có thêm những hệ lụy khác ở những nơi xung đột sẽ diễn ra, cả thế giới sẽ "gặp rắc rối hơn".

Về phần mình, phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch WB Ajay Banga khẳng định những gì đang diễn ra ở Gaza cũng như những thách thức ở Ukraine và Biển Đỏ là "một trong những thách thức hàng đầu đối với triển vọng kinh tế toàn cầu".

Chủ tịch WB cho rằng những biến số này cùng với mức tăng trưởng thấp nhất trong 55 năm qua đòi hỏi tình hình hiện nay phải được theo dõi chặt chẽ.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển hồi cuối tháng 1 đã cảnh báo rằng lưu lượng giao thương qua Kênh đào Suez đã giảm hơn 40% trong hai tháng trước đó.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục