Bộ Xây dựng tiếp tục đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh

18:43' - 31/10/2018
BNEWS Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất, bãi bỏ một số điều kiện đầu tư kinh doanh đang được quy định trong các luật chuyên ngành.
Hoạt động xây dựng chung cư cao tầng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ rà soát các Luật chuyên ngành, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất Bất động sản để có thể tiếp tục đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề cần thiết giữ lại. Cùng đó, Bộ cũng đề xuất bãi bỏ thêm 1 số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Như vậy, có thể không cần thiết một số điều kiện đầu tư kinh doanh nữa mà chuyển sang các phương thức quản lý khác.

Khi Nghị định số 100/2018/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng có hiệu lực đã đem đến sự thông thoáng, minh bạch hơn trong hoạt động xây dựng.

Đề cập đến những điểm đổi mới cơ bản, bà Tống Thị Hạnh cho rằng, Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng với 10 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đã có 89 điều kiện được bãi bỏ (41,3%); đơn giản hóa 94 điều kiện (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%).

Tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35% so với yêu cầu tối thiểu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo Chỉ thị 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Bộ Xây dựng và đã được Chính phủ đánh giá là một trong những Bộ đi đầu trong việc nỗ lực giảm thiểu các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý - bà Tống Thị Hạnh chia sẻ.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ 4 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang được quy định trong các văn bản Luật trên cơ sở tham khảo những tiêu chuẩn và thông lệ tốt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), theo hướng thay thế các điều kiện có tính chất tiền kiểm bằng các tiêu chuẩn, quy định, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Đồng thời, áp dụng nguyên tắc quản lý dựa trên rủi ro nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục