Bộ Xây dựng cắt giảm, đơn giản hoá 85% điều kiện đầu tư kinh doanh

17:37' - 27/07/2018
BNEWS Tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm và đơn giản hoá của Bộ Xây dựng đạt 85%, vượt 35% so với yêu cầu cắt giảm, đơn giản hoá 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo Chỉ thị 20.

Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 27/7, Bộ Xây dựng cho biết, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính mà trọng tâm là thủ tục hành chính được quan tâm đặc biệt trong thời gian qua và đã có những chuyển biến mạnh mẽ.

Ông Tạ Quang Vinh - Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, ghi nhận đầu tiên là việc bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định 100 về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Trong số này, đã thực hiện bãi bỏ 5/17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% trong tổng số 215 điều kiện kinh doanh.

Như vậy, tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm và đơn giản hoá của Bộ Xây dựng đạt 85%, vượt 35% so với yêu cầu cắt giảm, đơn giản hoá 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo Chỉ thị 20 về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh. Những con số này đã thể hiện kết quả, nỗ lực lớn của các đơn vị trực thuộc Bộ.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ 4 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định trọng các văn bản Luật để thay bằng hình thức quản lý khác, tiến tới hoàn thành chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ giao.

Không chỉ vậy, Bộ Xây dựng đã chủ động tăng cường lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thể hiện qua việc phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Để chuẩn bị nội dung chính cho Hội nghị này, Bộ Xây dựng đã rà soát hơn 2.000 ý kiến kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp gửi đến Bộ hoặc qua các kênh thông tin khác nhau phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng.

Bộ cũng đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị lắng nghe phản ánh những khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường rà soát, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực cụ thể theo các giai đoạn đầu tư xây dựng và trong khâu phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quá trình thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng với khoảng 12 Luật khác nhau, rất nhiều Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật; từ đó đề ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với các bộ có liên quan để triển khai, cụ thể hóa các kết quả của hội nghị và Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kết luận hội nghị; đã hoàn thiện dự thảo và trình Chỉnh phủ Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tống Thị Hạnh cho rằng, để đạt hiệu quả thì rất cần tạo chuyển biến bằng cách thu hút toàn xã hội nhập cuộc, từ các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp... Đặc biệt, khó nhất vẫn là khâu lồng ghép các thủ tục hành chính này với nhau để tránh chồng chéo.

Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành và phải điều chỉnh, sửa đổi số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật. Đến thời điểm này, cải cách thủ tục hành chính cũng là điểm sáng của ngành xây dựng thời gian qua.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan, theo đó, thời gian thực hiện các thủ tục sẽ giảm khoảng hơn 40 ngày.

Từ quý II/2018, Bộ đưa thí điểm thành lập Bộ phận một cửa, một cửa liên thông đối với 22 thủ tục hành chính trong tổng số 33 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (11 thủ tục hành chính còn lại vẫn được ủy quyền cho Cục Giám định và Cục Quản lý hoạt động xây dựng thực hiện). Trong 3 tháng đi vào hoạt động, Bộ phận một cửa thí điểm đã tiếp nhận 47 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, đã giải quyết 27 hồ sơ đúng hạn định./.

>>> Bộ Xây dựng và Bộ Ngoại giao Anh hợp tác phát triển mô hình BIM trong xây dựng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục