Bộ Y tế đề xuất cơ chế chính sách bổ sung cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch COVID-19

07:55' - 10/09/2021
BNEWS Theo quy định chung của ngành y tế, chi phí chăm lo cho tuyến đầu chống dịch hiện nay là tiền ăn 80.000 đồng/ người/ngày, tuy nhiên nghị quyết của TP.HCM đã nâng mức hỗ trợ tiền ăn lên 120.000 đồng.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 17 giờ ngày 8/9 đến 17 giờ ngày 9/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.420 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 12.399 ca trong nước.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có số ca mắc cao nhất nước (5.549 ca), tiếp đó là tỉnh Bình Dương (4.531 ca), Đồng Nai (880 ca), Long An (412 ca), Tây Ninh (161 ca), Kiên Giang (135 ca), Tiền Giang (115 ca), Khánh Hòa (77 ca), Đắk Lắk (61 ca), Cần Thơ (53 ca), Quảng Bình (50 ca), Bình Thuận (44 ca), Đồng Tháp (41 ca), Đà Nẵng, Hà Nội (mỗi địa phương 35 ca), Bình Định (29 ca), An Giang (28 ca), Bình Phước (20 ca), Đắk Nông (19 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (16 ca), Thanh Hóa, Phú Yên (mỗi địa phương 15 ca), Bến Tre, Bạc Liêu (mỗi địa phương 12 ca), Quảng Nam (10 ca), Sóc Trăng (9 ca), Nghệ An (8 ca), Gia Lai (7 ca), Quảng Ngãi (6 ca), Hưng Yên mỗi địa phương, Cà Mau (4 ca), Bắc Ninh (2 ca), Trà Vinh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bắc Giang (mỗi địa phương 1 ca); trong đó có 6.138 ca trong cộng đồng.

Như vậy, so với ngày 8/9, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 264 ca. Tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 1.759 ca, Bình Dương tăng 1.359 ca, Đồng Nai tăng 66 ca, Long An tăng 40 ca, Tây Ninh giảm 10 ca.

Trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày số ca nhiễm mới trong nước là 12.750 ca. Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 576.096 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; ở tỷ lệ ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.856 ca nhiễm). Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 571.745 ca, trong đó có 335.396 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Trong ngày 9/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 12.523 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 338.170 ca.

Trong ngày 9/9, số bệnh nhân tử vong do các Sở Y tế công bố là 272 ca; trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (203 ca), Bình Dương (40 ca), Long An (8 ca), Đồng Tháp (6 ca), Tiền Giang (5 ca), Cần Thơ (1 ca), Khánh Hòa (2 ca), Đà Nẵng (trong ngày 8-9/9 là 3 ca ca), Hà Tĩnh, Quảng Nam, Tây Ninh, Vĩnh Long (mỗi địa phương 1 ca).

Các địa phương đã bổ sung 73 ca tử vong trong thời gian trước đó, trong đó tại tỉnh Đồng Nai: 64 ca, Kiên Giang: 5 ca, Bình Thuận: 4 ca. Trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày số tử vong tại nước ta là 310 ca.

Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 14.470 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Tiêm vaccine cho 100% người dân để quay lại trạng thái bình thường mới

Chiều 9/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội… về các biện pháp chống dịch trong tình hình mới, phù hợp với diễn biến trong nước.

Tại cuộc làm việc, các ý kiến nhận định, tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới hiện đã có những diễn biến rất khác. Những nước đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 rất cao nhưng vẫn ghi nhận những đợt lây nhiễm mới trở lại với số ca tử vong đáng kể. Điều này đặt ra cho các nước chưa có nhiều vaccine để tiêm những khó khăn mới.

Trong khi đó, dịch bệnh đã nhiễm rất sâu và nặng, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai…; không khác những nơi nhiễm bệnh nặng nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố khác vẫn đang được kiểm soát. Do đó, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần có sự điều chỉnh về biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến trong nước.

Để quay lại trạng thái bình thường mới, các chuyên gia thống nhất cần tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế; đảm bảo hệ thống điều trị đầy đủ thuốc, oxy, các trang thiết bị cần thiết đề điều trị hiệu quả cho bệnh nhân COVID-19, giảm tối đa tỷ lệ tử vong. Trong thời gian tới, các lực lượng cần tiếp tục tăng cường mọi hướng tiếp cận nguồn vaccine, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước để có vaccine sớm nhất.

Cùng với việc ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu, người già, người có bệnh nền để giảm số ca tử vong, các ý kiến nêu rõ cần phân bổ vaccine cho những khu vực cần phải bảo vệ ngay trước mắt (như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh/thành phố có nhiều khu công nghiệp, chuỗi sản xuất, dịch vụ…) nhằm tạo miễn dịch cộng đồng sớm.

Các chuyên gia đặc biệt lưu ý cần đẩy nhanh việc xem xét triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em; đồng thời, cập nhật và đưa vào điều trị sớm những loại thuốc điều trị COVID-19, kết hợp với các phương thuốc đông y để tăng cường thể trạng, sức khỏe người bệnh.

Bù đắp phần nào khó khăn và động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch

Chiều 9/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế. Tuy nhiên hiện nay, lực lượng y tế vẫn gặp không ít khó khăn, phải chịu sự hy sinh, mất mát, phải đối mặt với các nguy cơ đe dọa sức khoẻ và tính mạng trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

“Để bù đắp phần nào những khó khăn và động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, ngày 9/9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Đặc biệt trong đó là chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nói chung; các phụ cấp đặc thù chuyên môn cùng chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế...

Cũng trong ngày 9/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có thư gửi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế, biểu dương tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên, vượt qua gian khổ, chấp nhận hy sinh, đối mặt với hiểm nguy để giành lại sự sống, bảo vệ sự an lành và sức khỏe của nhân dân.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cuộc chiến chống COVID-19 của cả nước nói chung và ngành y nói riêng còn khó khăn, thách thức, nhưng tất cả những điều đó không làm chúng ta chùn bước, sờn lòng, bởi vì đằng sau chúng ta là hàng triệu người dân, trong đó có người thân của chúng ta đang dõi theo, tin cậy và hy vọng.

Đó là động lực, là sự quyết tâm để chúng ta vững tin chiến đấu với dịch bệnh. Niềm vui của người thầy thuốc lúc này là ngày một có thêm nhiều địa phương kiểm soát được dịch, nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch được khỏi bệnh và quay trở lại với cuộc sống.

Đảm bảo chăm lo cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu và củng cố y tế cộng đồng để hỗ trợ điều trị cho F0 tại nhà là hai vấn đề mà Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tập trung thực hiện nhằm mục tiêu sớm kiểm soát dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất. Đây là thông tin được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại cuộc họp báo thông tin công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, ngày 9/9.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Theo quy định chung của ngành y tế, chi phí chăm lo cho tuyến đầu chống dịch hiện nay là tiền ăn 80.000 đồng/ người/ngày, tuy nhiên nghị quyết của Thành phố Hồ Chí Minh đã nâng mức hỗ trợ tiền ăn lên 120.000 đồng/người/ngày.

Ngoài ra, những người tham gia công tác phòng, chống dịch, tiếp xúc bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ các mức 350.000-450.000 đồng/ngày tùy vào khu vực, các y, bác sỹ cũng được hưởng đầy đủ chế độ phụ cấp, thu nhập tăng thêm của đơn vị. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ cho lực lượng tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch tùy vào tính chất công việc.

Song song với việc đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt chế độ dinh dưỡng cho đội ngũ y, bác sỹ tại các bệnh viện điều trị COVID-19, ngành y tế Thành phố cũng tập trung củng cố lực lượng y tế cộng đồng, các đội y tế lưu động ở phường, xã.

Đây là chiến lược quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, cấp phát túi thuốc, hỗ trợ điều trị cho lượng lớn F0 đang cách ly tại nhà./.

>>Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục