Boeing công bố sửa đổi lỗi hệ thống cảnh báo MCAS

10:53' - 28/03/2019
BNEWS Ngày 27/3, Boeing đã mời hàng trăm phi công và phóng viên tới dự sự kiện công bố những thay đổi đối với hệ thống cảnh báo MCAS.
Máy bay Boeing 737 Max 8 hạ cánh tại sân bay quốc gia Reagan ở Washington D.C., Mỹ, ngày 13/3/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Với việc sửa chữa phần mềm bay của dòng máy bay 737 MAX hiện đang bị cấm hoạt động ở nhiều nơi, tập đoàn chế tạo máy bay Boeing đã cam kết nỗ lực hết sức để ngăn ngừa các vụ tai nạn tương tự như hai vụ rơi máy bay vừa qua khiến hàng trăm người thiệt mạng chỉ trong vài tháng.

Ngày 27/3, Boeing đã mời hàng trăm phi công và phóng viên tới dự sự kiện công bố những thay đổi đối với hệ thống cảnh báo MCAS.

Tập đoàn đã thực hiện chiến dịch nhằm thuyết phục dư luận rằng Boeing đang giải quyết vấn đề của dòng 737 MAX, trong đó có hệ thống MCAS, vốn bị cho là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn máy bay vừa qua.

Dòng máy bay 737 MAX của Boeing đã bị cấm hoạt động sau khi tai nạn máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines vào đầu tháng này cướp đi sinh mạng của 157 người và vụ tai nạn của hãng Lion Air vào tháng 10/2018 khiến 189 người thiệt mạng. Sau hai vụ việc, các kỹ sư đã tập trung vào sai sót liên quan đến hệ thống MCAS.

Theo Boeing, MCAS sẽ không còn điều chỉnh khi phi công đang nỗ lực giành quyền kiểm soát và sẽ tự động ngắt kết nối nếu dữ liệu của hai cảm biến góc tấn không khớp nhau.

Ngoài ra, hãng cũng cung cấp tính năng cảnh báo khi dữ liệu cảm biến góc tấn không đồng bộ mà không tăng thêm chi phí với khách hàng.

Boeing cũng đang điều chỉnh lại chương trình đào tạo, trong đó có cả những phi công đã được chứng nhận về lái máy bay 737 MAX, đồng thời tăng cường kiến thức về hệ thống bay và các quy trình của dòng máy bay này.

MCAS là hệ thống cảnh báo an toàn tự động được lắp đặt trong mẫu 737 MAX 8 giúp máy bay tránh máy bay rơi vào trạng thái chết động cơ hay mất lực nâng vì mẫu máy bay này nặng hơn, có nhiều động cơ tiết kiệm nhiên liệu làm thay đổi chất lượng khí động lực của máy bay, có thể khiến mũi máy bay bị hướng lên cao trong một số điều kiện nhất định khi bay ở chế độ người điều khiển.

Các cảm biến góc tấn trên máy bay sẽ cung cấp dữ liệu có thể kích hoạt MCAS tự động điều chỉnh mũi máy bay chúi xuống, nếu nhận thấy có nguy cơ máy bay rơi vào trạng thái chết động cơ.

Trong cả hai vụ tai nạn, phi đã đã phải cố gắng kiểm soát máy bay vì lỗi cảm biến góc tấn đã khiến hệ thống MCAS được kích hoạt và liên tục tự động điều khiển mũi máy bay chúi xuống khi cất cánh.

Phát biểu với báo giới tại nhà máy ở thủ đô Washington, Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược sản phẩm của Boeing Mike Sinnett khẳng định tập đoàn sẽ làm tất cả để đảm bảo rằng các vụ tai nạn thảm khốc như vừa qua sẽ không tái diễn.

Trong khi đó, quyền Giám đốc Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) Daniel Elwell đang đối mặt với hàng loạt câu hỏi hóc búa từ các thượng nghị sĩ tại phiên điều trần của Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ về mối quan hệ với Boeing, cũng như quy trình giám sát doanh nghiệp này.

Mặc dù khẳng định quá trình cấp phép của FAA là rất chi tiết và cẩn thận, ông Dan Elwell thừa nhận rằng các hệ thống đang trở nên phức tạp và các biện pháp tiếp cận của FAA cần có sự thay đổi.

Cùng ngày, hãng hàng không Southwest Airlines đã hạ dự báo doanh thu do phải hủy các chuyến bay khi Boeing 737 MAX bị cấm hoạt động.

Chỉ riêng trong quý I, Southwest Airlines, vốn tập trung vận hành các chuyến bay nội địa Mỹ, đã phải hủy 9.400 chuyến bay.

Việc Boeing cấm vận hành 737 MAX đã khiến số chuyến bay bị giảm tới 30%. Công ty có trụ sở tại Dallas này đã ngừng vận hành 34 máy bay 737 MAX 8 và hiện còn 41 chiếc nữa sẽ được chuyển giao trong năm nay và hơn 300 đơn đặt hàng sau đó.

Kết hợp với các nhân tố khác như hủy chuyến bay do thời tiết và công tác bảo trì bị gián đoạn, ước tính Southwest Airlines đã bị thất thu tới 150 triệu USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục