Boeing đối mặt nguy cơ mất hợp đồng bán máy bay quân sự cho Canada

06:30' - 06/06/2017
BNEWS Boeing, tập đoàn sản xuất máy bay của Mỹ, có nguy cơ bị huỷ các hợp đồng bán máy bay quân sự cho Canada vì những khiếu kiện đối với hãng Bombardier của Canada.
Boeing đối mặt nguy cơ mất các hợp đồng bán máy bay quân sự cho Canada. Ảnh: AFP/TTXVN

Mới đây, một phiên xử về khiếu kiện của Boeing đã bắt đầu tại một toà án ở Washington, Mỹ. Tập đoàn sản xuất máy bay Mỹ Boeing cáo buộc rằng Chính phủ Canada đang trợ cấp không công bằng cho loạt máy bay phản lực CSeries, nhờ đó hãng sản xuất máy bay Bombardier có thể bán với giá thấp hơn giá thị trường.

Boeing đã đệ đơn yêu cầu Bộ thương mại Mỹ và Ủy ban Thương mại Mỹ điều tra về các khoản trợ cấp dành cho loạt máy bay CSeries của Bombardier.   

Theo cáo buộc của Boeing, Bombardier đã nhận trợ cấp của Chính phủ Canada trị giá hơn 3 tỷ USD. Boeing cho rằng các trợ cấp này đã cho phép Bombardier xuất khẩu máy bay ở mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá thành. Một quyết định sơ bộ về đơn kiện này dự kiến sẽ được đưa ra trước ngày 12/6.  

Nếu Ủy ban Thương mại Mỹ quyết định rằng việc làm này có nguy cơ gây tổn hại cho ngành công nghiệp Mỹ, các loại thuế chống trợ cấp sơ bộ có thể được công bố vào tháng Bảy và tiếp theo đó là các loại thuế chống phá giá sơ bộ, trừ khi các hạn chót này được gia hạn.

Những quyết định cuối cùng theo kế hoạch sẽ được đưa ra vào tháng 10 và 11/2017. Boeing đang yêu cầu thuế chống trợ cấp 79,41% và thuế chống phá giá 79,82%.  

Trong một phát biểu được đưa ra sau phiên xử về khiếu kiện của Boeing, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã cảnh báo những cáo buộc này không hữu ích cho các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra.

Bà Freeland cũng nói thêm rằng Ottawa hiện “đang xem lại việc mua sắm thiết bị quân sự có liên quan tới Boeing” và Chính phủ Canada sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của Bombardier, ngành kỹ thuật hàng không và công nhân ngành kỹ thuật hàng không của Canada.  

“Các ngành kỹ thuật hàng không của Canada và Mỹ có mức độ hội nhập cao và tạo ra các việc làm tốt cho tầng lớp trung lưu ở cả hai phía biên giới. Chúng tôi kịch liệt phản đối quyết định của Bộ thương mại Mỹ”, bà Freeland phát biểu.   

Giới chức quân sự và các đại diện ngành quốc phòng Canada đều có chung quan điểm với Ngoại trưởng Freeland liên quan tới kế hoạch của Canada nhằm mua 18 chiếc Super Hornet của Boeing để tạm thời thay thế đội máy bay cũ CF-18, một thương vụ có thể trị giá tới 2 tỷ USD.  

Theo chuyên gia phân tích ngành kỹ thuật hàng không Richard Aboulafia thuộc Teal Group, động thái của Chính phủ Canada là điều tất yếu, đồng thời cho rằng chiến lược của Boeing khi kiện Bombardier là một sai lầm.

Ông Aboulafia cho rằng nếu khôn ngoan thì Boeing nên rút lại khiếu kiện, vì tập đoàn này gặp nhiều rủi ro do mất các hợp đồng quân sự hơn là lợi ích nhỏ khi thắng một vụ khiếu kiện thương mại.  

Bombardier là đối thủ của Boeing trên thị trường máy bay phản lực loại nhỏ. Với dòng máy bay CSeries, Bombardier đặt mục tiêu của mình là chiếm một nửa thị phần quốc tế cho loại máy bay có từ 100 tới 150 chỗ ngồi.  

Theo Phó Tổng Giám đốc Boeing Raymond Conner, thương vụ mới đây của Bombardier với hãng hàng không Delta Air Lines để bán 125 chiếc CSeries đã giúp tạo đà cho Bombardier. Ông nói nếu đạt mục tiêu của mình, Bombardier sẽ đánh bật Boeing ra khỏi thị trường đó và khiến Boeing tổn thất 330 triệu USD/năm về doanh thu./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục