BoJ có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ siêu lỏng

07:35' - 06/07/2022
BNEWS Cựu Giám đốc điều hành chính sách tiền tệ của BoJ Eiji Maeda cho hay BoJ có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ siêu lỏng trước khi nhiệm kỳ của Thống đốc Haruhiko Kuroda kết thúc vào tháng 4/2023.

Hãng tin Reuters ngày 5/7 dẫn lời cựu Giám đốc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Eiji Maeda cho hay BoJ có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ siêu lỏng trước khi nhiệm kỳ của Thống đốc Haruhiko Kuroda kết thúc vào tháng 4/2023, nếu nền kinh tế đủ sức để tăng lương.

 

Ông Eiji Maeda cho biết bất kỳ động thái nào cũng đều nhằm giải quyết hậu quả của chính sách nới lỏng kéo dài, chẳng hạn như sự mất cân đối của thị trường do sự hiện diện lớn của BoJ, chứ không phải nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong điều kiện kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), BoJ đặt mục tiêu phạm vi ở mức 0- 0,25% đối với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm để giữ chi phí đi vay ở mức thấp và kích thích nền kinh tế.

Lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng khiến BoJ khó bảo vệ mức trần lợi suất. Theo ông Maeda, YCC trở nên khó điều hướng khi lạm phát và lãi suất tăng trên toàn cầu.

Ông Maeda, người có mối quan hệ thân thiết với các nhà hoạch định chính sách đương nhiệm của BoJ và có hiểu biết sâu về lý do đằng sau các quyết định của ngân hàng trung ương, cho biết lạm phát gia tăng trên toàn cầu đã phơi bày những “hiệu ứng ngược” do chính sách tiền tệ của Nhật Bản gây ra.

Với việc giữ cho lợi suất cố định trong dài hạn, BoJ đang gây ra sự biến động trên thị trường tiền tệ và có thể gây tổn thương cho nền kinh tế khi để đồng yen rơi tự do một cách không mong muốn.

BoJ nên cho phép lợi suất dài hạn tăng nhiều hơn, phù hợp với mức lợi suất tăng cao trên toàn cầu.

Ông Maeda nói thêm thời điểm để BoJ điều chỉnh chính sách sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc nền kinh tế có đủ sức kiểm soát lạm phát đang tăng nhanh hay không, và thúc đẩy các công ty tăng lương.

Thống đốc Kuroda đã nhiều lần gạt bỏ cơ hội điều chỉnh YCC, cho rằng lạm phát do chi phí tăng lên gần đây sẽ chỉ là tạm thời và nền kinh tế yếu vẫn cần hỗ trợ tiền tệ.

Tuy nhiên, ông Maeda cho biết lạm phát tiêu dùng của Nhật Bản, hiện ở mức khoảng 2%, có thể tăng lên khoảng 3% nếu đồng yen tiếp tục giảm giá, làm tăng chi phí nhập khẩu.

Ông Maeda nói rằng việc thay đổi chính sách tiền tệ ngay bây giờ là không phù hợp, nhưng khi các điều kiện kinh tế và giá cả rơi vào tình trạng phù hợp, BoJ phải hành động vì YCC và lãi suất âm không còn cần thiết ở Nhật Bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục