BoJ liệu có nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa?

15:51' - 13/05/2016
BNEWS Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nói rằng ngân hàng này cần thêm một vài tháng để thấy những tác động của các biện pháp kích thích đối với nền kinh tế và sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu cần.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda. Ảnh: Japantimes

Theo bản tóm tắt nội dung cuộc họp tháng Tư của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) mới được công bố, một số nhà hoạch định chính sách của BoJ nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp kích thích bổ sung nếu cần để đạt mục tiêu lạm phát 2%, khi rủi ro đối với nền kinh tế và giá cả được cho là rất lớn.

Bản tóm tắt nội dung cuộc họp cũng cho thấy quyết định của BoJ về việc giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện hành là dựa trên quan điểm chủ đạo của các nhà hoạch định chính sách là cần thêm thời gian để đánh giá xem quyết định tại cuộc họp tháng Một về áp dụng lãi suất âm sẽ tác động ra sao đến nền kinh tế.

Quyết định này là ngược lại với những dự đoán của thị trường rằng BoJ sẽ hành động trong lúc nhu cầu toàn cầu thấp, sự lên giá không mong muốn của đồng yen và tiêu dùng yếu đe doạ làm "chột" đà phục hồi còn chưa vững của nền kinh tế.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 11/5, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nói rằng ngân hàng này cần thêm một vài tháng để thấy những tác động của các biện pháp kích thích đối với nền kinh tế và sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu cần.

Ông nói nới lỏng định lượng, nới lỏng định tính, lãi suất âm là ba biện pháp mà BoJ có thể thực hiện và BoJ có thể vẫn nới lỏng đáng kể chính sách tiền tệ nếu thấy cần thiết.

Theo đề cương kế hoạch kinh tế và tài chính của Chính phủ Nhật Bản được đưa ra tại cuộc họp cũng vào ngày 11/5 của Hội đồng Chính sách Kinh tế và Tài khóa, để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng cần thực hiện các biện pháp như bán các phiếu mua hàng với mức giá thấp hơn giá danh nghĩa và hối thúc các doanh nghiệp thực hiện việc bán hàng trên toàn quốc.

Còn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì cần tăng hiệu quả của lĩnh vực dịch vụ, tăng chi cho nghiên cứu và phát triển và cho phép người nước ngoài làm việc nhiều hơn tại Nhật Bản.

Thủ tướng Shinzo Abe nói Chính phủ phải thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi nền kinh tế cũng như tiến hành cải cách chi tiêu, đề cập đến các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đưa ngân sách đạt thặng dư cơ bản vào tài khóa 2020.

Chính phủ Nhật Bản cho biết, tháng Ba là tháng thứ 21 liên tiếp nước này đạt thăng dư tài khoản vãng lai.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tài khóa 2015 đã tăng lên 17.980 tỷ yen (166 tỷ USD), mức cao nhất trong 5 năm qua, trong bối cảnh giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đạt lần lượt 73.140 tỷ yen và 72.510 tỷ yen (giảm 3,3% và 11,8%).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục