BoK dự kiến giá tiêu dùng sẽ còn leo thang hậu COVID-19

16:33' - 12/11/2021
BNEWS Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục chịu áp lực lạm phát leo thang do các yếu tố rủi ro bên ngoài về gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và giá dầu quốc tế tăng cao.

Phát biểu tại cuộc họp với bảy nhà kinh tế từ các tổ chức nghiên cứu tư nhân, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) Lee Ju-yeol ngày 12/11 cho biết giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng cao hơn dự kiến trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị tắc nghẽn, giá dầu tăng và áp lực lạm phát lên cao.

Thống đốc Lee Ju-yeol đồng thời cũng nhấn mạnh những khó khăn trong việc hoạch định chính sách do những bất ổn ngày càng gia tăng. Ông lưu ý tình trạng tắc nghẽn nguồn cung đã nổi lên như một yếu tố rủi ro lớn trên toàn cầu.

Do đó, BoK khó có thể dự đoán được khi nào vấn đề này sẽ giảm bớt. Là một cơ quan quản lý tiền tệ phải thực hiện các chính sách với quan điểm hướng tới tương lai, khó khăn lớn nhất của BoK hiện nay là những bất ổn không thể biết trước.

Theo dữ liệu gần đây từ Tổng cục Thống kê Hàn Quốc (KS), giá tiêu dùng tháng 10 tại nước này đã tăng 3,2% so với cùng thời điểm của năm 2020 và là mức tăng lớn nhất trong khoảng một thập kỷ kể từ tháng 1/2012. Điều này đã thúc đẩy BoK điều chỉnh lại dự báo lạm phát trong năm nay lên cao hơn so với mức 2,1% được đưa ra trước đó.

Với việc thống đốc BoK liên tục gửi các tín hiệu về việc tăng lãi suất, hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo rằng BoK sẽ nâng lãi suất một lần nữa lên 1% trong cuộc họp hội đồng tiền tệ diễn ra vào ngày 25/11 tới.

Bất chấp áp lực lạm phát, Thống đốc Lee Ju-yeol vẫn lạc quan về tốc độ phục hồi kinh tế của Hàn Quốc nhờ xuất khẩu mạnh và các quy tắc kiểm dịch được nới lỏng.

Cùng ngày, Viện nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI) đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Hàn Quốc trong năm 2021 lên 4% so với dự báo trước đó là 3,8%. KDI cũng dự kiến nền kinh tế sẽ đạt được mức tăng trưởng 3% trong năm 2022.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng kỳ vọng nền kinh tế Hàn Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt 4,3% và 4% trong năm 2021.

Phát biểu với báo giới, Trưởng bộ phận kinh tế của KDI Jung Kyu-chul cho hay Viện này điều chỉnh dự báo về tiêu dùng tư nhân do chính phủ thực hiện các khoản ngân sách bổ sung, nhưng giảm triển vọng tăng trưởng cho xuất khẩu và đầu tư xây dựng do gián đoạn nguồn cung toàn cầu kéo dài và giá nguyên vật liệu tăng.

Bên cạnh đó, ngành dịch vụ sẽ có thể đạt được sự phục hồi nhanh chóng và góp phần vào việc phục hồi kinh tế của quốc gia nếu các quy tắc giãn cách xã hội tiếp tục được nới lỏng theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, ông Jung Kyu-chul cũng nhấn mạnh thêm rằng lĩnh vực sản xuất sẽ khó có thể đóng góp nhiều cho nền kinh tế, trừ khi "cú sốc" về nguồn cung toàn cầu hiện nay được giải quyết một cách triệt để và kịp thời./.

>>BoK: Niềm tin của người tiêu dùng Hàn Quốc cao nhất trong 4 tháng qua

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục