Brexit: Tàu đã rời ga nhưng chưa biết đích đến

08:31' - 18/06/2017
BNEWS Theo giới phân tích, con tàu Brexit đã rời ga những vẫn chưa biết đích đến.
Các ngân hàng lớn lên kế hoạch ứng phó với Brexit. Ảnh: AFP
Thời điểm khởi đầu đàm phán về vấn đề Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đang tới gần - dự kiến vào ngày 19/6 tới - nhưng triển vọng của tiến trình này bị đánh giá là rất mờ mịt. Theo giới phân tích, con tàu Brexit đã rời ga, những vẫn chưa biết đích đến.

* Sự bất ổn từ nước Anh

Chính quyền của Thủ tướng Anh Theresa May đã kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào ngày 29-3-2017 để bắt đầu tiến trình Brexit. Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn mà bà May kêu gọi vào ngày 8-6 vừa qua nhằm gia tăng sức mạnh của đảng Bảo thủ cầm quyền trong quá trình thương lượng Brexit đã phản tác dụng nghiêm trọng. Kết quả của bầu cử sớm không chỉ hạ thấp vị thế của đảng Bảo thủ mà còn đưa đến một tương lai chính trị không chắc chắn cho nước Anh.

Dưới con mắt của giới quan sát, Thủ tướng May sẽ là người “cực kỳ khó tính” trong các cuộc đàm phán chia tách sắp tới giữa Anh và EU và các cử tri Anh cũng có thể khó tính không kém về vấn đề này.

Trong khi bà May giữ vững quan điểm về một Brexit “cứng”, tức là Anh sẽ rời khỏi cả thị trường chung lẫn liên minh thuế quan châu Âu và hạn chế người nhập cư từ châu Âu, thì phần lớn người dân Anh giờ đây chấp nhận Brexit như một thực tế cuộc sống và muốn có “cả chì lẫn chài”. Khoảng 90% người dân muốn ở lại thị trường chung và khoảng 70% muốn xiết chặt biên giới. Hai mong muốn này có tính loại trừ lẫn nhau đối với EU, và các quan chức của liên minh đã nhiều lần làm rõ điều này: Hoặc Vương quốc Anh vẫn ở lại thị trường chung và chấp nhận sự tự do đi lại, hoặc nước này rời khỏi thị trường chung và lấy lại quyền kiểm soát về nhập cư.

Những bất ổn về kinh tế cũng gây khá nhiều sức ép lên vấn đề đàm phán Brexit của Anh. Nền kinh tế Anh đang chững lại do căng thẳng và áp lực đối với thu nhập khi đồng bảng Anh sụt giá. Việc khôi phục lòng tin của giới kinh doanh là điều mà nền kinh tế này đang rất cần.

Những lo ngại về kinh tế đã khiến giới kinh doanh phải kêu gọi chính quyền Anh nỗ lực đảm bảo tiến trình Brexit diễn ra một cách êm thấm, thể hiện quan điểm muốn Anh tiếp tục ở trong thị trường chung châu Âu và tuân thủ các quy định về thuế quan của liên minh. Ở lại liên minh thuế quan có nghĩa là chấp nhận quyền hạn xét xử của Tòa án Công lý châu Âu, tiếp tục chi trả các khoản đáng kể vào ngân sách EU, và từ bỏ cơ hội ký kết các thỏa thuận thương mại song phương độc lập, đồng thời không thể gây ảnh hưởng tới các thỏa thuận thương mại của EU trong tương lai.

Bên cạnh đó, Thủ tướng May cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phía các nhà lập pháp trong đảng của bà yêu cầu bà có lập trường mềm mỏng hơn. Bản thân bà May cũng đã thừa nhận với các thành viên đảng Bảo thủ trong Quốc hội rằng cần một sự đồng thuận rộng rãi hơn về chiến lược đàm phán Brexit. Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ William Hague ngày 13-6 tuyên bố, Thủ tướng Anh cần bắt đầu hợp tác với giới doanh nghiệp và các đảng khác về vấn đề Brexit, nếu chính phủ của bà muốn tồn tại.

* EU cứng rắn

Trong diễn biến mới nhất ngày 13-6-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một số quy định mới có thể dẫn đến việc dịch chuyển về lục địa châu Âu một phần các hoạt động của Trung tâm tài chính London sau khi Anh hoàn thành kế hoạch Brexit. Thực tế trong một số trường hợp, các quy định trên tạo cho EU khả năng từ chối việc Anh đòi quyền giữ lại trên lãnh thổ của họ những công ty thanh toán bù bằng đồng euro.

EC giải thích do đối mặt với sự ra đi của trung tâm tài chính lớn nhất EU nên Liên minh cần có một số thay đổi để đảm bảo các nỗ lực mà họ đang thực hiện sẽ đi đúng hướng. Mục đích của việc đề xuất các quy tắc mới là nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính chứ không phải là ý định dịch chuyển các hoạt động một cách tùy tiện.

Đây không phải là động thái đầu tiên cho thấy EU tỏ ra cứng rắn và mất kiên nhẫn trước tình trạng không chắc chắn của phía Anh trong cuộc đàm phán Brexit sắp tới. Theo trang mạng theguardian.com, các quan chức cấp cao EU đã tuyên bố nếu Anh vẫn khăng khăng bàn về thỏa thuận thương mại tự do trước khi các vấn đề như quyền của công dân và đường biên giới ở CH Ireland được giải quyết thích đáng, thì họ sẽ phải đối mặt với phản ứng cứng rắn. Một quan chức cấp cao EU nhấn mạnh :“Nếu họ không chấp nhận các cuộc đàm phán theo từng giai đoạn, chúng tôi sẽ cần tới một năm để vạch ra các đường hướng đàm phán mới”.

Trang mạng Bloomberg.com nhận định, EU nên đi theo hai hướng sau trong tiến trình đàm phán sắp tới với Anh:

Thứ nhất là, cho phép linh động về mặt thời gian và trình tự các cuộc đàm phán Brexit. EU đang nôn nóng khởi động tiến trình này và đã đưa ra các ý định cụ thể về quy trình triển khai, nhưng những xáo trộn tại Quốc hội Anh sẽ khiến mọi thứ chậm lại. Các nhà lãnh đạo châu Âu nên sẵn sàng thích ứng với thực tế này. Việc tránh khỏi những tranh cãi về quy trình thủ tục là điều cần thiết hơn cả.

Thứ hai, EU nên nhìn rộng ra bên ngoài các điều khoản Brexit và thúc đẩy một đề xuất cho mối quan hệ có hiệu quả trong tương lai với Anh. Đây là điều rất dễ hiểu nhưng hiện tại, Anh dường như không thể làm vậy. Nếu EU lựa chọn chỉ đứng đó nhìn, hậu quả sẽ là không có một thỏa thuận nào đạt được, một cuộc “chia tay” hỗn loạn xảy ra khi thời gian đàm phán không còn nhiều, sự xáo trộn kinh tế lên mức đỉnh điểm và sự buộc tội lẫn nhau kéo dài trong nhiều năm - một hậu quả không chỉ kinh hoàng với Anh mà còn vô cùng rắc rối với EU.

Nói tóm lại, châu Âu không cần thiết phải chỉ cho Anh thấy những sai lầm của họ. EU giờ đây cần hướng sự chú ý từ “trừng phạt” sang “kiểm soát thiệt hại”.

* Các kịch bản của Brexit

Các cuộc đàm phán về Brexit đang đứng trước nhiều ngã rẽ quan trọng, và việc lựa chọn hướng đi nào sẽ quyết định kết quả tiến trình này. Dưới đây là các kịch bản Brexit có thể xảy ra:

Brexit cứng diễn ra suôn sẻ

Với viễn cảnh lý tưởng này, cuộc chia tay sơ bộ sẽ diễn ra vào cuối năm nay, được nhất trí hoàn toàn vào cuối năm 2018, được các nghị sĩ phê chuẩn vào tháng 3/2019 và sẽ mất vài năm để chuyển tiếp sang một hiệp ước mới.

Brexit cứng không đạt được thỏa thuận

Thủ tướng Anh từng nói rằng “không đạt được thỏa thuận còn hơn là đạt được một thỏa thuận tồi”. EU hiện ngày càng lo ngại rằng cả hai bên có thể đang tự trói buộc mình, khi mà thời hạn còn rất ít.

Mặc dù không bên đàm phán nào muốn xảy ra tình trạng lập lờ gây lộn xộn, song một sự đổ vỡ có thể đẩy hai bên rơi vào tình thế hỗn loạn không mong muốn vào phút cuối.

Không Brexit

Một năm trước, 48% người Anh bỏ phiếu ở lại EU, trong đó có đa số các nghị sĩ thuộc các đảng lớn, đa số người Scotland và Bắc Ireland. Một số vẫn còn nuôi hi vọng về một tiến trình Brexit đảo ngược. Tuy nhiên, hi vọng đó xem ra lạc lõng khi cả hai đảng lớn của Anh giờ chấp nhận Brexit, và EU cũng vậy.

Bề ngoài, các lãnh đạo EU khẳng định rằng họ muốn Anh không ra đi. Tuy nhiên, có quan điểm cho là Liên minh sẽ yên ổn hơn khi không có một thành viên lớn mà lúc nào cũng tỏ ra thờ ơ và giờ lại đang bị chia rẽ tới mức không còn thể trông đợi được nữa.

Brexit muộn

Các rối loạn chính trị ở Anh đã làm nảy sinh những lời kêu gọi thêm thời gian đàm phán, có thể về các vấn đề khác mà bà May đã đề xuất. Điều khoản 50 cho phép kéo dài thời hạn hai năm ra đi nếu các nước thành viên khác đều nhất trí. Tuy nhiên, EU sẽ ngần ngại đưa ra một vấn đề gây bất đồng giữa họ và muốn Anh ra đi trước khi diễn ra bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019.

Brexit của người Anh

Chính phủ Scotland muốn một thỏa thuận đặc biệt để ở lại khối thị trường chung, hoặc nếu không thì sẽ ly khai và ở lại hoặc tái gia nhập EU. Ủy viên EU của Ireland thì tán thành ý tưởng giữ Bắc Ireland ở trong liên minh thuế quan EU. Các đồng minh của bà May ở khu vực này cũng muốn tránh một đường biên giới cứng.

Ở Ireland, viễn cảnh tương tự xem ra cũng khá phức tạp nếu không đặt ra một hình thức rào cản thương mại nào đó giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Anh.

Brexit mềm

Điều này có thể là vấn đề tranh cãi chính trong những tháng tới. Nhiều người phản đối Brexit cho rằng nếu tiếp tục, Anh nên ít ra vẫn ở lại trong khối thị trường chung vì vấn đề việc làm và thương mai. Tuy nhiên, theo giới phân tích, thúc đẩy Brexit mềm thay cho Brexit cứng xem ra càng làm tăng nguy cơ thay thế một Brexit suôn sẻ bằng một Brexit chật vật.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục