Brexit và sự hối tiếc “Bregret” của người Anh

06:30' - 11/02/2023
BNEWS Người Anh quả thực có biệt tài trong việc nghĩ ra các thuật ngữ mới: sau “Brexit”, họ bắt đầu nghĩ đến “Bregret”, được diễn giải là sự hối tiếc về việc đã đoạn tuyệt với EU.

Báo Le Monde cho biết sau khi chia tay với Liên minh châu Âu (EU), phần lớn người Anh cảm thấy hối hận vì đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit (chỉ việc Anh rời EU). Trong khi các nhà chức trách của đất nước đã mất nhiều thời gian để nhận ra hậu quả và loay hoay tìm biện pháp khắc phục, sự bất ổn trong xã hội Anh sẽ còn kéo dài. Cụ thể như sau:

Người Anh quả thực có biệt tài trong việc nghĩ ra các thuật ngữ mới: sau “Brexit”, họ bắt đầu nghĩ đến “Bregret”, được diễn giải là sự hối tiếc về việc đã đoạn tuyệt với EU. Đây không phải là một sự hoài niệm nhất thời của các nhà bình luận, mà là hiện thực.

Theo mức trung bình của các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, đa số người Anh được hỏi, cụ thể là 57%, cho biết sẽ bỏ phiếu nếu có một cuộc trưng cầu về tái hội nhập EU được “tổ chức hôm nay”. Cả hai phía tranh luận đều có chung một kết luận rằng Brexit là “không ổn”.

Cựu Thủ tướng Boris Johnson từ lâu có thể quy tình hình kinh tế yếu kém của đất nước cho đại dịch COVID-19. Nhưng những nhận định như vậy ở thời điểm hiện nay là không thuyết phục.

Có một sự trùng hợp rất đáng chú ý. Ngay khi Chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak kỷ niệm Brexit bằng lời khẳng định “đất nước đã tự tin vạch ra lối đi của một quốc gia độc lập”, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại công bố báo cáo, trong đó dự báo trong số các nền kinh tế chủ chốt của thế giới, Anh sẽ là quốc gia duy nhất rơi vào suy thoái trong năm 2023. Anh cũng là quốc gia duy nhất không lấy lại được quy mô kinh tế từng có trước đại dịch COVID-19, theo nhận định của IMF.

Có một thực trạng đó là việc khôi phục chính sách kiểm soát hải quan mà Brexit yêu cầu đã cản trở quan hệ với EU, cửa ngõ chính của Anh, khiến nước này hụt mất 15% giá trị thương mại. Việc làm này cũng khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn và hoạt động đầu tư giảm tốc. Tình trạng thiếu lao động tại Anh đã trở nên trầm trọng do nước này không còn chế độ tự do di chuyển với EU.

Lạm phát bị đè nặng bởi chi phí đi vay tăng sau những quyết định ngân sách của cựu Thủ tướng Liz Truss. Đến mức danh từ “con bệnh của châu Âu”, vốn được sử dụng để chỉ nước Anh trước thời điểm gia nhập Cộng đồng châu Âu năm 1973, đã xuất hiện trở lại trong các cuộc tranh luận công khai tại nước này.

Năm 2022 rõ ràng đã đánh dấu "sự thất bại" của Brexit. Bây giờ, nhiều người Anh đã có thể nhận thấy những hậu quả tiêu cực từ quyết định của họ. Rất khó để quy trách nhiệm chính xác cho Brexit, đại dịch COVID-19, khủng hoảng năng lượng hay bất ổn chính trị, nhưng sự thật là kinh tế Anh đang sa sút thảm hại và nặng nề hơn nhiều so với những nơi khác.

Theo tính toán của Trung tâm Cải cách châu Âu (CER), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, từ quý II/2016, thời điểm trưng cầu dân ý, đến quý II/2022, Anh có mức tăng trưởng thấp hơn 5,5% so với nhóm khoảng 40 quốc gia có mức tăng trưởng tương tự trong những năm trước đó. Khối lượng trao đổi thương mại của Anh với bên ngoài cũng tăng ít hơn 7%, trong khi các khoản đầu tư thấp hơn 11% so với nhóm nước này.

Thành tích kinh tế đi xuống càng làm gia tăng xu hướng bất mãn xã hội. Được tích tụ sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng không ngừng và từ tình trạng thiếu đầu tư vào các dịch vụ công, bất mãn xã hội đang bùng phát tại Anh với một loạt cuộc đình công chưa từng thấy kể từ những năm 1970, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Đa số dư luận Anh đều tiếc nuối Liên minh châu Âu nhưng cả chính phủ, phe đối lập, giới chủ hay các nghiệp đoàn đều không vận động để lùi bước. Thế giới kinh tế cũng không muốn một điều như vậy. Các doanh nghiệp, bất kể lớn hay nhỏ, có giao dịch với EU đều đang phải quen dần với việc hoàn thành hàng tá thủ tục nhiêu khê, các giấy tờ cần thiết.

Đây không còn là điều gì xa lạ với các nhà xuất khẩu thủy sản hay các ngân hàng muốn mở văn phòng tại Dublin, Paris hoặc Frankfurt. Tất cả đều phải thích nghi và chấp nhận các chi phí bổ sung để có thể tồn tại và phát triển.

Cho rằng Brexit là một “cơ hội lớn” nhưng lại đang đứng trước những quan ngại từ công chúng, Thủ tướng Rishi Sunak đã cho thấy rất ít dấu hiệu về khả năng phá vỡ thế bế tắc của đất nước. Trong khi đó, thủ lĩnh phe đối lập Keir Starmer, người của Công đảng vốn được yêu thích nhất trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, lại tỏ ra quá thận trọng để đánh giá các ảnh hưởng tiêu cực của Brexit.

Quả thực các chính trị gia của Anh đã mất quá nhiều thời gian để nhận ra "mớ hỗn độn" mà Brexit gây ra và tìm ra biện pháp khắc phục. Điều này chắc chắn khiến tình trạng bất ổn tồn tại lâu hơn trong nền dân chủ lâu đời nhất châu Âu. Bất ổn này khiến người Anh nhanh chóng tìm ra một danh từ để chỉ những người muốn quay trở lại EU, đó là “những người tái hội nhập”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục