BRICS hướng tới nền tảng hợp tác Nam – Nam ấn tượng nhất thế giới

06:30' - 15/09/2017
BNEWS Với chủ đề “làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác BRICS, mở ra tương lai tươi sáng hơn”, hội nghị BRICS tại Trung Quốc lần này đã vạch ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới của BRICS.
Lãnh đạo 5 năm nước nhóm BRICS tại hội nghị thượng định tổ chức ở Hạ Môn, Trung Quốc. Ảnh: EPA/SPUTNIK

Theo “Thương báo” (Hong Kong), Hội nghị lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 9 đã diễn ra tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, với chủ đề “làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác BRICS, mở ra tương lai tươi sáng hơn”.

Trong đó, mô hình “BRICS+” do Trung Quốc đề xuất được chuyển đổi từ khái niệm sang thực tế để tạo ra một nền tảng mới hợp tác Nam – Nam năng động.

Tham gia sự kiện có lãnh đạo 5 nước BRICS (Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi) và lãnh đạo các nước Ai Cập, Guinea, Mexico, Tajikistan, Thái Lan với các cuộc thảo luận về vấn đề “thực hiện chương trình phát triển bền vững” và “xây dựng quan hệ đối tác phát triển rộng mở”.

Mô hình “BRICS+” là sự đổi mới quan trọng của Trung Quốc đối với cơ chế hợp tác BRICS.

Theo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, mô hình này có nghĩa là thông qua đối thoại giữa các nước BRICS với các nước đang phát triển, thiết lập một quan hệ đối tác rộng mở, đưa hợp tác BRICS trở thành nền tảng hợp tác Nam-Nam có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Hãng thông tấn Trung Quốc, Tân Hoa xã cũng đưa ra bình luận cho rằng, diễn đàn BRICS không phải là một câu lạc khép kín, ngược lại sẽ tiếp tục mở rộng “vòng tròn hữu nghị”, con đường phía trước ngày càng rộng mở.

Ý nghĩa của hợp tác BRICS đã vượt xa khỏi phạm vi 5 nước, có ảnh hưởng mang tính toàn cầu. Việc thúc đẩy hợp tác đoàn kết giữa các thị trường mới nổi với các nước đang phát triển thông qua nền tảng BRICS phù hợp với lợi ích chung của các nước.

Tiếp tục mở rộng mô hình hợp tác “BRICS+”, xây dựng quan hệ hợp tác rộng mở hơn và thúc đẩy xây dựng nền tảng hợp tác Nam-Nam cũng như hợp tác phát triển quốc tế có sức ảnh hưởng toàn cầu chắc chắn sẽ đem lại nguồn năng lượng tích cực để hoàn thiện công tác quản lý toàn cầu và thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế.

Là một trong những thành viên sáng lập của BRICS, Trung Quốc cam kết đồng hành với các nước thành viên BRICS khác để tăng cường hợp tác thiết thực, cùng thắng, cùng có lợi. Chủ trương và phương án của Trung Quốc là sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong hợp tác BRICS.

Giới quan sát Trung Quốc nhận định, Hội nghị thượng đỉnh tại Hạ Môn lần này tập trung vào các lĩnh vực then chốt, làm sâu sắc mối hợp tác thiết thực của BRICS, giới thiệu một loạt sáng kiến hợp tác thiết thực, tạo ra một hợp lực phát triển mạnh mẽ hơn.

Hội nghị thượng đỉnh tại Hạ Môn góp phần thúc đẩy xây dựng cơ chế hóa BRICS, từng bước tăng cường quyền phát ngôn của các nước BRICS trong các vấn đề quốc tế, đưa ra tiếng nói của BRICS có trọng lượng hơn; hoàn thiện bố cục hợp tác BRICS, mở rộng giao lưu nhân dân toàn diện, tạo ra một nền tảng xã hội vững chắc hơn, đưa khuôn khổ hợp tác BRICS ngày càng cân bằng và ổn định hơn.

Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, Nguyễn Tông Trạch cho rằng cộng đồng quốc tế hiện nay vẫn có những tiếng nói tiêu cực làm suy yếu BRICS, trước tình hình này, càng đòi hỏi Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất trong số các nước BRICS – phải phát huy vai trò quan trọng.

Kể từ khi bắt đầu khởi động cơ chế BRICS vào năm 2006, hợp tác trên lĩnh vực kinh tế luôn là trọng tâm của hợp tác giữa các nước BRICS. Trong một thập kỷ qua, các nước BRICS đã đạt được được nhiều thoả thuận hợp tác kinh tế, cũng như đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của các quốc gia trong khối, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế của các nước thành viên.

Châu Chí Vĩ, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Brazil thuộc Ban Mỹ Latinh, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng điều được kỳ vọng nhất tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này là các nước BRICS làm thế nào để từng bước thúc đẩy thương mại và đầu tư thuận lợi hơn, dẫn dắt thương mại toàn cầu phát triển theo xu hướng cởi mở hơn, nhằm gây ảnh hưởng bất lợi cho chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng ở một số nước phát triển.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục