Bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng “kém sắc” trong năm 2020

15:37' - 13/05/2020
BNEWS Việc các ngân hàng phải điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận trong năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19 là điều khó tránh khỏi.
Áp lực nợ xấu tăng cao, lợi nhuận sụt giảm mạnh, nguy cơ thiếu vốn… do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đang khiến bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng trong những tháng đầu năm 2020 trở nên “kém sắc” hơn so với cùng kỳ năm 2019.

* Điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận

Ban Điều hành Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa trình Hội đồng Quản trị thông qua và ban hành Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2020 do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ đồng (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020), huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng (giảm 8%) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122,75 tỷ đồng (giảm 4%). Theo kế hoạch này, chi phí dự phòng của ngân hàng đã trích chủ động tăng 414 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2020.

Với các nội dung điều chỉnh trên, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Eximbank sẽ giảm 10,3%. Theo đó, tổng kế hoạch lợi nhuận trước thuế của Eximbank cũng giảm mạnh hơn 40% so với kế hoạch đầu năm 2020, từ 2.214 tỷ đồng xuống còn 1.318 tỷ đồng nhưng vẫn tăng 22% so với kết quả đạt được trong năm 2019.

Bên cạnh đó, kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo kế hoạch đầu năm của ngân hàng buộc phải giãn tiến độ sang năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, Eximbank xác định việc tập trung hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng song song ổn định kinh doanh để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ nhân viên và cổ đông; đồng thời, sẽ có những kế hoạch hành động phù hợp nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định và an toàn cho hệ thống của Eximbank.

Việc Eximbank điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 cũng là thực hiện theo nội dung Chỉ thị số 02/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, trong việc kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông.

Không chỉ riêng Eximbank, một số ngân hàng cũng tiết lộ kế hoạch giảm lãi trong năm 2020, đồng hành cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19.

Tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp tổ chức mới đây, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng cho biết, trong năm 2020, VietinBank dự kiến cắt giảm lợi nhuận khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng, để hỗ trợ lãi suất và giảm phí nhằm chia sẻ khó khăn với các khách hàng. Tính từ ngày 23/1/2020 đến nay, VietinBank đã giảm hơn 800 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng của COVID-19.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 13,5% so với năm 2019, còn 800 tỷ đồng, dù các chỉ tiêu khác vẫn tăng trưởng trong tài liệu dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông 2020 sắp tới.

Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng cho biết, sẽ điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm 2020, với mức giảm lợi nhuận tối thiểu 1.000 tỷ đồng, thông qua việc tiết giảm chi phí kinh doanh và chi phí hoạt động.

* Nguy cơ thiếu hụt vốn

Việc các ngân hàng phải điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận trong năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19 là điều khó tránh khỏi. Thực tế, kết quả kinh doanh quý I/2020 của các ngân hàng cũng phần nào phản ánh tác động của dịch COVID-19 lên hoạt động của ngành.

Nhiều ngân hàng lớn như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MBBank… đã ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận trong quý I, do thu nhập lãi thuần tăng trưởng chậm, tăng trưởng tín dụng thấp và trích lập dự phòng rủi ro tăng cao.

Tuy vậy, kết này chỉ phản ánh một phần khó khăn mà ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt, bởi tháng 3/2020 dịch mới bùng phát mạnh và cả nước mới thực hiện giãn cách xã hội. Sự suy giảm lợi nhuận của ngành ngân hàng được dự báo sẽ thể hiện rõ hơn trong quý II và quý III/2020.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trong năm 2020, ngành ngân hàng sẽ bị tác động rất mạnh bởi sự suy giảm của nền kinh tế, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Lợi nhuận của ngành chắc chắn sẽ không cao như năm ngoái, thậm chí sẽ có những ngân hàng thua lỗ.

“Tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính sẽ gia tăng áp lực nợ xấu, buộc các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng, nhiều món vay có nguy cơ mất vốn. Tình hình kinh tế suy giảm cũng khiến thu nhập từ lãi cho vay, phí dịch vụ… của các ngân hàng sụt giảm mạnh, trong khi chi phí hoạt động không giảm nhiều sẽ khiến bức tranh lợi nhuận của ngành trong năm không mấy sáng sủa như năm 2019”, vị chuyên gia này cho biết.

Không chỉ lợi nhuận giảm, các ngân hàng còn đối mặt với nguy cơ thiếu vốn do gia tăng các khoản nợ quá hạn, nếu điều kiện kinh tế tiếp tục suy yếu vì ảnh hưởng của COVID-19.

Một báo cáo gần đây của Fitch Ratings (một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới) cho biết, các ngân hàng Việt Nam nằm trong xếp hạng của Fitch đã tăng 45% các khoản nợ quá hạn trong quý I/2020 so với cuối năm 2019, do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên nền kinh tế. Các khoản nợ này dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn nữa khi triển vọng kinh tế vẫn ảm đạm, nhu cầu toàn cầu yếu.

Bên cạnh đó, tình trạng hàng triệu lao động bị mất việc hoặc giảm lương cũng đang gia tăng áp lực lên chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng, khi phân khúc bán lẻ đóng góp tới 40% trong tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng.

Theo Fitch Ratings, nếu tiếp tục bổ sung dự phòng cho những khoản vay mới, các ngân hàng có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt vốn lên tới 2,5 tỷ USD (tương đương 27% vốn chủ sở hữu cuối năm 2019), để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước theo chuẩn Basel II là 8%. Trong đó, các ngân hàng TMCP Nhà nước giữ cổ phần chi phối sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vốn lớn nhất. Xét trên toàn hệ thống, tình trạng này sẽ cao hơn nhiều, vì các ngân hàng được tổ chức này xếp hạng chỉ chiếm 27% tổng các khoản cho vay trong toàn ngành.

Tuy vậy, Tổ chức xếp hạng tín dụng này cũng cho rằng, tác động của đại dịch COVID-19 đối với lợi nhuận của các ngân hàng sẽ ở mức vừa phải, vì các ngân hàng có thể tận dụng sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước để giảm sự biến động thu nhập trong trường hợp căng thẳng trở nên rõ rệt hơn. Một số ngân hàng có thể bán nợ xấu cho VAMC, để khấu hao chi phí dự phòng trong vòng 5 năm, hạn chế tác động hơn nữa trong ngắn hạn đối với thu nhập.

Fitch Ratings cũng chỉ ra rằng, những tác động cuối cùng về chất lượng tài sản và lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào thời gian và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, Tổ chức này tin rằng Việt Nam có thể phục hồi lại nền kinh tế. Theo kịch bản này, sự suy giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn. Fitch Ratings có thể điều chỉnh lại triển vọng của ngành và xếp hạng trở lại ổn định, thay vì mức tiêu cực hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục