Tiếp cận vốn ngân hàng cần nhìn từ hai phía

20:14' - 08/05/2020
BNEWS Một số doanh nghiệp cho biết vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dù Ngân hàng Nhà nước liên tục có các chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn…

Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng đã có nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dù Ngân hàng Nhà nước liên tục có các chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn…

Ngay khi dịch bệnh diễn ra, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động trong việc điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là giữ ổn định tỉ giá, giảm lãi suất, đặc biệt trong lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai tích cực các chương trình miễn, giảm lãi suất, giảm phí, cử nhân viên trực tiếp tới doanh nghiệp khảo sát khó khăn, cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc…  

Đặc biệt, gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước công bố hồi đầu tháng 3/2020 đến nay đã lên tới hơn 300 nghìn tỷ đồng với sự tham gia của các tổ chức tín dụng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là những hành động kịp thời, thiết thực của ngành ngân hàng để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch COVID-19.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, việc đẩy nhanh tiếp cận chương trình tín dụng 300 nghìn tỷ đồng mà các ngân hàng thương mại đang triển khai đòi hỏi thiện chí của cả người dân và doanh nghiệp.

Theo TS. Cấn Văn Lực, ngân hàng không thiếu vốn. Tuy nhiên hiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất yếu. Bằng chứng là tín dụng quý I/2020 chỉ tăng 1,3%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng ở mức 3,2%.

Do vậy, khi ngân hàng xem xét khoản cho vay này, họ sẽ tuân thủ theo quy định, quy chế của mình trong thực hiện các khoản vay. Bên cạnh chia sẻ với doanh nghiệp, ngân hàng cũng phải tính đến rủi ro cho vay, phải tính đến khả năng hoàn vốn.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam cho rằng câu chuyện xoay quanh chủ đề tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp cần có cái nhìn toàn diện từ hai phía.

Về phía ngân hàng, việc triển khai các gói tín dụng hỗ trợ này không chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận mà còn là thách thức không nhỏ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh có thể khiến doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu, thậm chí dẫn đến khủng hoảng tài chính và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

“Đây chính là áp lực rất lớn cho các ngân hàng thương mại nên quá trình triển khai sẽ có sự thận trọng nhất định để đảm bảo nhiều mục tiêu giải quyết được cùng lúc, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa hạn chế tối đa các rủi ro nêu trên”, ông Trương Gia Bình nói.

Theo ông Trương Gia Bình, để vay được vốn, doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại (kết quả kinh doanh sụt giảm) do dịch COVID-19, mục đích sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ. Đây là vấn đề không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được ngay, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với năng lực còn nhiều hạn chế.

Hiện tại, một số doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nông nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của xã hội mong muốn tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn với gói tín dụng này. Ông Trương Gia Bình cho biết, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có thể hấp thu nguồn vốn từ gói tín dụng này, bởi là lĩnh vực thiết yếu và tiềm năng tăng trưởng lớn trong bối cảnh dịch bệnh cũng như sau dịch.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, hệ thống ngân hàng thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế. Nhưng nguồn vốn tín dụng này, các chương trình hỗ trợ đều đến từ tiền gửi của người dân và chính doanh nghiệp, nên trách nhiệm đầu tiên của các tổ chức tín dụng là phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn nguồn vốn để đảm bảo an toàn nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây, hệ thống ngân hàng có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng không được phép nới lỏng các điều kiện tín dụng, tháo gỡ các thủ tục, quy định nội bộ của ngân hàng, những tiêu chuẩn, điều kiện vì yêu cầu tiên quyết là để đảm bảo an toàn vốn, đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng, kể cả không có dịch cũng rất khó khăn, không thể xử lý được các vấn đề phát sinh.

Chính vì vậy, những kiến nghị cụ thể sẽ được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn toàn quốc trực tiếp xử lý và tháo gỡ. Những doanh nghiệp với phương án phải đảm bảo khả thi, có khả năng sử dụng vốn đúng mục đích, có khả năng trả được nợ thì mới được các tổ chức tín dụng xem xét./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục