Bước "đảo chiều" cần thiết của Tổng thống Donald Trump

16:35' - 10/04/2025
BNEWS Thị trường đã có phản ứng tích cực với động thái "đảo chiều" bất ngờ của Tổng thống Donald Trump tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với 75 đối tác thương mại

Dư luận và thị trường đã có phản ứng tích cực với động thái "đảo chiều" bất ngờ của Tổng thống Donald Trump tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với 75 đối tác thương mại, qua đó giảm đáng kể mức thuế áp dụng trong giai đoạn này xuống còn 10%. Quyết định trên đã giúp xoa dịu phần nào những lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn diện, mở ra không gian rộng hơn cho các cuộc đàm phán thương lượng giữa Mỹ và các đối tác thương mại.

 

“Màn quay xe” bất ngờ của Tổng thống Trump được ví như “liều thuốc tăng lực” cho thị trường chứng khoán toàn cầu vốn chao đảo suốt nhiều ngày gần đây. Chứng khoán Mỹ ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục với chỉ số Dow Jones tăng khoảng 7,8% lên trên 39.801 điểm. Đây là mức tăng trong ngày mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 và là mức tăng kỷ lục thứ ba kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay. Các chỉ số S&P 500 cũng tăng 9,52% và Nasdaq bứt phá mạnh mẽ 12,16%, mức cao nhất kể từ năm 2001. “Sắc xanh” cũng trở lại thị trường chứng khoán châu Á với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và chỉ số Topix của Hàn Quốc lần lượt tăng 7,8% và 7,11% khi mở phiên giao dịch ngày 10/4. Một loạt nước như Canada, Anh, Italy, Đức, Hàn Quốc... cũng đồng loạt hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump về hoãn áp thuế đối ứng đối, coi đây là tín hiệu tích cực.

Lý giải về nguyên nhân dẫn tới quyết định mới của Tổng thống Trump, nhiều nhà phân tích cho rằng những tác động không mong muốn đối với chính nước Mỹ sau khi ông công bố loạt mức thuế đối ứng là yếu tố chủ chốt. Dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent giải thích rằng “đây là chiến lược đã được tính toán từ lâu”, song giới quan sát không khỏi nghĩ tới sự trùng hợp giữa quyết định này với những biến động tiêu cực trên thị trường tài chính cũng như thị trường trái phiếu, cùng làn sóng chỉ trích từ cả chính giới, doanh nghiệp lẫn người dân đối với việc áp thuế đối ứng. Thượng nghị sĩ Ted Cruz, một thành viên đảng Cộng hòa, chia sẻ dù là người ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Trump tại Thượng viện, song một điều cần hiểu là “thuế quan là một loại thuế chủ yếu đánh vào người tiêu dùng Mỹ”.

Theo ông Marko Kolanovic, cựu chiến lược gia toàn cầu tại JP Morgan, tình trạng bán tháo trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu Mỹ đã khiến ông Trump đảo ngược quyết định. Chuyên gia Andy Brenner tại NatAlliance Securities nhận định: "Đây rõ ràng là sự nhượng bộ của Tổng thống Trump trước áp lực từ thị trường”. Tương tự, nhà báo Charlie Gasparino của Fox News cũng cho rằng Nhà Trắng đã lùi bước trước những diễn biến đáng lo ngại trên thị trường trái phiếu.

Ngoài những lo lắng về biến động thị trường, việc hàng chục quốc gia nhanh chóng tiếp cận và đề nghị đàm phán cũng khiến Mỹ có thêm lý do để tạm hoãn thuế đối ứng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Tổng thống Trump tạm dừng áp thuế vì chính quyền nhận được rất nhiều yêu cầu đàm phán và mỗi cuộc đàm phán sẽ được "thiết kế riêng", do đó cần có thời gian. Khoảng thời gian 90 ngày được kỳ vọng sẽ đủ để chính quyền Tổng thống Trump đàm phán những thỏa thuận thương mại có lợi hơn cho Washington, trong khi hạn chế tổn thất đối với nền kinh tế và thị trường.

Thực tế cho thấy kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, Tổng thống Trump đã nhiều lần cảnh báo áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại các đối tác, nhưng sau đó lại rút lại một số quyết định vào phút chót. Bởi vậy, không ít ý kiến cho rằng tuyên bố áp thuế đối ứng lần này cũng là một chiến thuật của ông Trump để buộc các đối tác ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.

Có thể nói, quyết định tạm hoãn áp thuế của Tổng thống Trump phần nào mang lại sự nhẹ nhõm cho thị trường toàn cầu, tạo cơ hội cho các bên đàm phán tìm tiếng nói chung. Giáo sư Carlyle A. Thayer tại Đại học New South Wales (Australia) đánh giá việc hoãn áp thuế sẽ tạo dư địa đàm phán cần thiết cho cả hai bên và gây áp lực buộc các bên phải hành động nhanh chóng. Chuyên gia này cho rằng khoảng thời gian trì hoãn thuế đối ứng dù ngắn nhưng “có thể giúp tái lập lòng tin, tạo điều kiện đạt được một thỏa thuận thương mại song phương phản ánh lợi ích hai chiều”.

Rõ ràng, động thái mới nhất vẫn cho thấy Tổng thống Trump đang thể hiện thái độ hòa hoãn hơn – hoặc ít nhất là bớt căng thẳng hơn – với các quốc gia đang phải đối mặt với mức thuế đối ứng cao của Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố tạo sức ép đáng kể trong quá trình đàm phán, buộc các bên phải cân nhắc kỹ càng các chiến lược đàm phán thương mại, kể cả Mỹ. Trong báo cáo gửi khách hàng, ngân hàng Citigroup nhận định việc tạm dừng thuế quan đối ứng không đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ đã tránh được nguy cơ tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng. Ngân hàng Phố Wall này còn cảnh báo thêm sự bất ổn về thương mại sẽ tiếp tục đeo bám, gây áp lực đối với tăng trưởng trong quý II. Ngoài ra, mức thuế cơ sở 10% có hiệu lực đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ vẫn có thể khiến một số sản phẩm, như cà phê và chuối, không thể trồng được ở Mỹ, càng trở nên đắt đỏ hơn. Những mặt hàng khác, như kim loại và nguyên liệu công nghiệp, sẽ làm cho ngành sản xuất của Mỹ kém cạnh tranh hơn, chứ không phải trở nên mạnh hơn.

Dù sao, "bước đảo chiều" của Tổng thống Trump về áp thuế đối ứng là cần thiết và tích cực, tạo cơ hội để các bên có thể tính toán và hài hòa lợi ích của nhau, tìm ra những giải pháp thỏa đáng không chỉ cho vấn đề thương mại mà cả cho các mối quan hệ quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục