Bước đệm để Chính phủ Hoa Kỳ tiến hành biện pháp dài hạn

20:55' - 03/08/2018
BNEWS Các nước được phép áp dụng trợ cấp nếu thuộc nhóm 6 loại trợ cấp xác định nhưng phải cam kết cắt giảm cả về giá trị trợ cấp (tính bằng tiền) và số lượng nông sản được trợ cấp.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày 24/7 thông báo sẽ dùng một chương trình từ thời Đại Khủng hoảng (1929-1933) để chi trả 12 tỷ USD giúp nông dân Hoa Kỳ bị ảnh hưởng vì các cuộc chiến thương mại mà ông Trump đang tiến hành với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác.

Gói “cứu trợ” này được xem là một liều “thuốc tăng lực” tạm thời cho nông dân trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thương lượng các vấn đề thương mại.

Chiều 3/8, phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - xung quanh vấn đề này.

BNEWS: Chính phủ của Tổng thống Donald Trump vừa qua đã có những chương trình hỗ trợ cho nông dân, ông có thể giải thích cụ thể hơn về chương trình này?

Ông Trịnh Minh Anh: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Sonny Perdue ngày 24/7/2018 đã thông báo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) sẽ thực hiện một số hành động để hỗ trợ nông dân đối phó với thiệt hại thương mại từ sự trả đũa không hợp lý của các đối tác thương mại.

Gói hỗ trợ này trị giá khoảng 12 tỷ USD được giao cho Tổng công ty tín dụng hàng hóa (The Commodity Credit Corporation) (CCC) triển khai thông qua 3 Chương trình gồm: Chương trình tạo thuận lợi cho thị trường (The Market Facilitation Program), CCC sẽ thanh toán từng bước cho người sản xuất nông sản như đậu tương, cao lương, ngô, lúa mì, bông, sữa và lợn.

Sự hỗ trợ này sẽ giúp nông dân khắc phục những khó khăn khi nông sản của Hoa Kỳ bị đối tác áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu, đối phó với hàng hóa dư thừa và mở rộng và phát triển thị trường mới trong và ngoài nước.

Chương trình Mua và phân phối thực phẩm (Food Purchase and Distribution Program), CCC sẽ mua hàng nông sản bị ảnh hưởng vì các biện pháp trả đũa thương mại nên dư thừa như trái cây, hạt điều, gạo, đậu, thịt bò, thịt lợn và sữa.

Chương trình xúc tiến thương mại (Trade Promotion Program), CCC phối hợp với khu vực tư nhân hỗ trợ việc phát triển thị trường xuất khẩu mới cho các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ.

Gói hỗ trợ này dự kiến bắt đầu từ tháng 9 năm 2018 và sẽ chỉ triển khai trong vụ mùa năm 2018 với tổng số 7 đến 8 tỷ USD tiền mặt sẽ được phát trực tiếp, nhưng không phải nông dân nào cũng được trợ cấp.

Đây là biện pháp tạm thời, được áp dụng trong thời gian đàm phán với Trung Quốc và một số đối tác.

BNEWS: Xin ông cho biết, quyết định trợ cấp này có trái với quy định của WTO không?

Ông Trịnh Minh Anh: Hoa Kỳ lập luận rằng họ có quyền áp dụng loại trợ cấp này. Theo quy định của WTO, vấn đề trợ cấp liên quan đến hai nhóm hàng là: sản phẩm phi nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp. Quy định về trợ cấp cho 2 nhóm này là khác nhau:

-Các quy định về trợ cấp áp dụng cho hàng phi nông nghiệp chặt chẽ, khó áp dụng.

-Các quy định về trợ cấp áp dụng cho hàng nông nghiệp (nông sản) ít hạn chế hơn, với nhiều loại hình trợ cấp được thừa nhận hơn và mức độ trợ cấp được phép cũng linh hoạt hơn.

Về nguyên tắc trợ cấp xuất khẩu dẫn đến không công bằng trong thương mại, bóp méo thương mại.

Tuy nhiên, cần phải làm rõ: trợ cấp xuất khẩu đối với hàng phi nông nghiệp hầu như bị WTO cấm hoàn toàn, còn trợ cấp xuất khẩu hàng nông nghiệp vẫn được thừa nhận ở mức độ nhất định và phải đáp ứng một số điều kiện chi tiết.

Các nước được phép áp dụng trợ cấp nếu thuộc nhóm 6 loại trợ cấp xác định nhưng phải cam kết cắt giảm cả về giá trị trợ cấp (tính bằng tiền) và số lượng nông sản được trợ cấp.

Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ áp dụng cho các thành viên gia nhập WTO trước ngày 1/1/1995 (Hoa Kỳ là nước gia nhập trước 1995).

BNEWS: Thưa ông, liệu Trung Quốc và các đối tác có phản đối hay kiện Hoa Kỳ ra WTO hay không?

Ông Trịnh Minh Anh: Như lập luận ở trên, Hoa Kỳ có thể có quyền áp dụng gói trợ cấp này. Nhưng tất nhiên các đối tác có thể không đồng ý và có thể có những lập luận phản bác lại Hoa Kỳ và có thể kiện ra WTO.

Tuy nhiên, theo tôi khả năng phát biểu phản đối của đối tác là có, nhưng khó có khả năng tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện Hoa Kỳ vì thời gian áp dụng quá ngắn, các nước đối tác không thể đủ thời gian để tiến hành các thủ tục pháp lý kiện Hoa Kỳ; và các chuyên gia của USDA cũng nắm chắc các định chế của WTO để vận dụng khi tuyên bố về gói trợ cấp này.

Đây chỉ là một kế hoạch hỗ trợ ngắn hạn để bảo vệ nông dân Hoa Kỳ trong khi Chính phủ Hoa Kỳ tiến hành các biện pháp dài hạn nhằm mở cửa thêm thị trường đối tác cho hàng nông sản của Hoa Kỳ.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục