Doanh nghiệp ứng phó và sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại

16:11' - 26/07/2018
BNEWS Với xu hướng bảo hộ đang trỗi dậy ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, các chuyên gia cho rằng tần suất và sự phức tạp trong các vụ việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ ngày càng gia tăng
Quang cảnh Hội thảo xu hướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay – kinh nghiệm xử lý dành cho các bên liên quan. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước; đồng thời, duy trì việc làm cho người lao động. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo xu hướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay – kinh nghiệm xử lý dành cho các bên liên quan do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế (Viện nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh) tổ chức, ngày 26/7.

Xu hướng gia tăng áp dụng phòng vệ thương mại

Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế cho biết, hầu hết các quốc gia khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đều cam kết dỡ bỏ hoặc cắt giảm các chính sách bảo hộ trong nước.

Tuy nhiên, theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các quốc gia vẫn được phép sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) để chống lại các hành vi thương mại không lành mạnh hoặc sự gia tăng đột biến hàng nhập khẩu gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.

Số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, tính tới nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã đối mặt với khoảng 130 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau; trong đó, có 78 vụ điều tra chống bán phá giá, tự vệ 25 vụ, lẩn tránh thuế chống bán phá giá 17 vụ và 12 trường hợp chống trợ cấp. Các quốc gia khởi xướng điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.

Bà Phạm Châu Giang, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, tại Việt Nam, trước đây trung bình mỗi năm có gần 10 vụ việc phòng vệ thương mại nhưng trong 5 năm gần đây đã tăng lên 13 đến 14 vụ việc/năm. Riêng 7 tháng năm 2018 đã có 10 vụ việc được khởi xướng điều tra đối với hàng hóa từ Việt Nam.

Mới nhất là ngày 25/7, Malaysia đã khởi xướng điều tra vụ việc lẩn trốn thuế chống bán phá giá với mặt hàng thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam, do nghi ngờ sản phẩm thép này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những con số trên cho thấy, phòng vệ thương mại đang có xu hướng gia tăng và tác động không nhỏ tới hoạt động thương mại quốc tế.

Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ hiện nay không đơn giản như trước mà được núp bóng dưới nhiều hình thức, lý do khác nhau như để bảo đảm an ninh quốc gia hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Bà Trần Thị Lan Hương, Phòng xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, các nước khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất là các nước phát triển và có kim ngạch nhập khẩu hàng hóa lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU.... Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng rộng và rất đa dạng, bao gồm cả những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao như: thép, dệt may, thủy sản tới các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu thấp như bật lửa, vôi, đinh thép...

Theo bà Trần Thị Lan Hương, việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (chủ yếu là chống bán phá giá) đã ảnh hưởng rất lớn tới kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng Việt Nam. Điển hình như trường hợp Hoa Kỳ áp thuế đinh thép năm 2014 đã khiến giá trị xuất khẩu mặt hàng này từ 36 triệu USD xuống còn 800 nghìn USD trong năm 2015; trường hợp Brazil áp thuế với lốp xe đạp đã khiến kim ngạch xuất khẩu giảm từ 5,7 triệu USD (2012) xuống còn 578 nghìn USD (2015)

Ứng phó và sử dụng phòng vệ thương mại hiệu quả

Với xu hướng bảo hộ đang trỗi dậy ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, các chuyên gia cho rằng tần suất và sự phức tạp trong các vụ việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ ngày càng gia tăng. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có biện pháp chủ động ứng phó với các vụ điều tra.

Bà Trần Thị Lan Hương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cần chủ động phòng tránh rơi vào các trường hợp bị điều tra và chịu thiệt hại nặng nề khi bị áp thuế phòng vệ thương mại bằng cách đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.

Thêm vào đó, doanh nghiệp nên tìm hiểu rõ pháp luật và xu hướng áp dụng phòng vệ thương mại của các thị trường đích. Ngoài ra, cũng cần đầu tư nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm vì cạnh tranh về chất lượng sẽ an toàn và bền vững hơn cạnh tranh về giá.

Trong trường hợp xảy ra việc bị điều tra, doanh nghiệp cần chủ động đối phó ngay từ đầu thông qua các luật sư tư vấn, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng. Bởi, khi bị áp thuế sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành chứ không chỉ riêng một vài doanh nghiệp. Tiếp đến cần chuẩn bị tốt về hồ sơ, chứng cứ để phản biện, đồng thời phải xác định rõ chiến lược, mục tiêu và nỗ lực tham gia kháng kiện một cách rõ ràng, thống nhất đến cùng.

Cùng quan điểm, ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp, ngành hàng nên chủ động phòng tránh rơi vào sự cố bị điều tra, các vụ kiện chống bán phá giá. Vì khi đã bị điều tra, vụ việc sẽ kéo dài và gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp có khi vài chục năm.

Có trường hợp doanh nghiệp phải bỏ luôn thị trường đó. Song song đó, các cơ quan thương mại và doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu đối sách, chiến lược phản ứng để tạo sự cân bằng trong quan hệ thương mại.

Ở chiều ngược lại, bà Phạm Châu Giang cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu nên việc dùng công cụ bảo vệ sản xuất trong nước không phải nhiệm vụ chính nhưng cũng không thể đứng ngoài. Tính đến nay, Việt Nam mới có 9 trường hợp áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng ngoại.

Công cụ này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước chưa biết cách sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất và một phần xuất phát từ năng lực của cơ quan phòng vệ thương mại còn hạn chế.

Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong việc xem xét, lập hồ sơ điều tra đối với các sản phẩm nước ngoài có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống, sức khỏe cộng đồng nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng cho các doanh nghiệp và lợi ích chung của người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục