Bước đi đầu tiên trong sứ mệnh “chữa lành” nền kinh tế của Fed

06:30' - 19/03/2022
BNEWS Việc tăng lãi suất cũng là bước đi mạnh mẽ nhất cho đến nay của ngân hàng trung ương để đối phó với tình trạng lạm phát cao nhất trong bốn thập kỷ.

Ngày 16/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25% lên phạm vi 0,25-0,5%. Đây là lần đầu tiên Fed thực hiện tăng lãi suất kể từ năm 2018, giữa bối cảnh lạm phát tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất của bốn thập kỷ. 

* Cột mốc đầu tiên…

Động thái công bố vào ngày 16/3 được coi là cột mốc đầu tiên trong chiến dịch “chữa lành” nền kinh tế của Fed. Các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đã phát tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục có những bước đi tương tự, với việc tăng lãi suất dự kiến được thực hiện tại cả 6 cuộc họp chính sách còn lại của thể chế này trong năm 2022.

Việc tăng lãi suất cũng là bước đi mạnh mẽ nhất cho đến nay của ngân hàng trung ương để đối phó với tình trạng lạm phát cao nhất trong bốn thập kỷ.

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức Fed chịu trách nhiệm thiết lập chính sách tiền tệ, đã quyết định tăng lãi suất giữa bối cảnh kinh tế Mỹ đang chứng kiến “một thị trường lao động cực kỳ chật hẹp trong môi trường lạm phát cao". 

Nhà lãnh đạo này cũng cho biết FOMC dự đoán sắp tới, lãi suất sẽ liên tục được điều chỉnh trong các phạm vi mục tiêu phù hợp. Mặc dù vậy, quy mô điều chỉnh vẫn là điều khó nói bởi bản thân FOMC cũng chưa thể thống nhất trong vấn đề này. 

Chủ tịch Powell “để ngỏ” khả năng nâng lãi suất với khoảng cách lớn hơn 0,25 điểm phần trăm trong những lần tới và cho biết Ủy ban nhận thức được sự cần thiết của việc mang lại sự ổn định về giá cho nền kinh tế và quyết tâm sử dụng các công cụ để thực hiện điều đó.

Các quan chức Fed đã thay đổi dự báo về lãi suất trong năm nay so với ba tháng trước đó. Fed từng dự báo lãi suất sẽ chỉ tăng thêm khoảng 0,75 điểm phần trăm trong năm 2022, theo sau là các lần tăng bổ sung trong năm 2023 và 2024. 

Tuy nhiên đến nay, các chỉ dấu đều đang hướng tới kịch bản sẽ có thêm đến 6 lần tăng lãi suất trong năm 2022, không tính lần tăng vừa được công bố. 

Ngoài ra, sẽ có ít nhất ba lần tăng được thực hiện trong năm 2023, khiến tỷ lệ lãi suất quỹ của Fed có thể lên tới 2,8%, vượt quá mức lãi suất trung lập đối với tăng trưởng là 2,4%, theo dự báo của phần lớn các quan chức Fed.

* … khi bất ổn địa chính trị tăng cao

Cũng trong ngày 16/3, thị trường chứng khoán và trái phiếu Chính phủ Mỹ biến động mạnh. Lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ thời hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất của gần 3 năm chỉ ít phút sau khi thông báo về việc nâng lãi suất được phát đi, trước khi giảm xuống chỉ còn 2,17%. 

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 lại giảm nhẹ sau thông báo của Fed, trước khi thể hiện đà tăng mạnh mẽ và kết phiên với mức tăng tăng 2,2%. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng 3,8%. 

Lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed được thực hiện bất chấp những căng thẳng gần đây trong quan hệ Nga-Ukraine. Tương tự Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã có những động thái nhằm thu hẹp kế hoạch mua trái phiếu trong tháng này để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao. 

Chủ tịch Powell thừa nhận rằng những bất ổn địa chính trị sẽ “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế và nhấn mạnh rằng cuộc xung đột có khả năng tạo thêm áp lực tăng lạm phát trong tương lai gần đối với kinh tế Mỹ và đặt gánh nặng lên các hoạt động kinh tế. 

Fed thường trì hoãn việc đưa ra các quyết định chính sách lớn trong bối cảnh thế giới có xung đột địa chính trị để tránh làm trầm trọng thêm những bất ổn. Tuy nhiên, việc lạm phát tăng cao kỷ lục và những biến động trên thị trường lao động đã buộc thể chế này phải thay đổi. 

Các quan chức Fed hôm 16/3 cũng điều chỉnh dự báo lạm phát. Theo đó, ước tính trung bình cho lạm phát lõi cuối năm của Mỹ, không tính các mặt hàng như thực phẩm và năng lượng, sẽ tăng lên 4,1% mức từ 2,7% của tháng 12 năm ngoái.

Ngoài ra, ước tính của năm 2023 cũng tăng, với hầu hết các quan chức hiện đang dự báo chỉ số Core PCE sẽ dao động trong khoảng 2,6% và 2,3% vào năm 2024. 

Chỉ số Core PCE Price Index đo lường mức giá mà người tiêu dùng phải trả cho hàng hóa và dịch vụ trong khoảng thời gian nhất định nhưng không bao gồm thực phẩm và năng lượng để đánh giá xu hướng lạm phát cơ bản nhất. Chỉ số này hiện đang đứng ở mức 5,2%, vượt quá mức 2% mục tiêu của Fed. 

Quyết định nâng lãi suất cho thấy "Fed khá quan tâm đến lạm phát", Bob Michele, Giám đốc đầu tư tại quản lý tài sản JPMorgan cho biết. Chuyên gia này nói thêm rằng Fed "vẫn còn rất nhiều việc cần làm và họ cần phải bình thường hóa mọi thứ". 

Trong khi đó, Brian Smedley, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Guggenheim Partners, cho biết Fed đã "thừa nhận rằng những căng thẳng ở Ukraine… đang gây áp lực lớn hơn đến lạm phát”. Chuyên gia này nói thêm rằng việc mở rộng áp lực giá đòi hỏi phải những chính sách mạnh mẽ hơn.

Ước tính trung bình cho tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng được điều chỉnh còn 2,8% so với mức 4% dự kiến hồi tháng 12, trong khi dự báo về tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức 3,5%. Đa số quan chức Fed ước tính tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng lên 3,6% vào năm 2024. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục