Bước đi táo bạo của Tổng thống Mỹ công du vùng Vịnh
Quyết định táo bạo trên được đưa ra chỉ vài tháng sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ vào tháng 12/2024 và chính phủ lâm thời do ông Ahmed al-Sharaa lãnh đạo được thành lập. Động thái này đánh dấu sự thay đổi lớn đầu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại Trung Đông kể từ khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai và mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Washington và Damascus.
Quyết định của Mỹ nhận được sự hoan nghênh từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, mặc dù vẫn còn sự nghi ngờ sâu sắc từ Israel về chính quyền của ông al-Sharaa. Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, ông Geir Pedersen, nhận định: "Điều này rất quan trọng để có thể cung cấp các dịch vụ thiết yếu, bao gồm y tế và giáo dục, phục hồi nền kinh tế Syria, mở ra sự hỗ trợ có ý nghĩa từ khu vực và cho phép nhiều người Syria đóng góp tích cực vào nỗ lực quốc gia nhằm tái thiết đất nước của họ".
Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, hai đồng minh của Mỹ trong khu vực, đã ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với chính phủ mới của Syria. Cả hai nước đều đã cung cấp viện trợ cho Syria, và Saudi Arabia đã đề nghị trả một số khoản nợ của quốc gia này, hai hoạt động có thể vi phạm lệnh trừng phạt.
Quyết định hợp thời.Theo giới phân tích, việc Mỹ nới lỏng cấm vận không phải là hành động bột phát, mà là kết quả của những thay đổi mang tính chiến lược trong nội bộ Syria. Chính phủ mới, dù vẫn còn mang tính kế thừa, đã có những phát ngôn cởi mở hơn về đối thoại dân tộc, tái thiết đất nước và hợp tác quốc tế. Sự xuất hiện của một số gương mặt mới trong bộ máy cầm quyền – bao gồm cả những nhân vật được cho là kỹ trị và ôn hòa hơn – đã gửi đi thông điệp rằng Damascus muốn phá vỡ thế bế tắc chính trị kéo dài.
Thậm chí, Tổng thống lâm thời Syria al-Sharaa đã dần giành được tính hợp pháp quốc tế cho chính phủ của mình với việc Mỹ xóa bỏ lệnh bắt giữ ông và ông có thể công du quốc tế, gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả ở Saudi Arabia và Pháp.
Washington, vốn luôn bị chỉ trích vì các chính sách cấm vận "trừng phạt tập thể" người dân Syria, nay có lý do để điều chỉnh chiến lược. Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm – tập trung vào lĩnh vực nhân đạo, y tế và tài chính dân sự – là cách Mỹ thể hiện sự ủng hộ thận trọng đối với tiến trình cải tổ đang manh nha tại Syria.
Chỉ mới đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn còn giữ khoảng cách với chính quyền non trẻ của ông al-Shara, người Mỹ từng treo thưởng 10 triệu USD để bắt giữ do những hành động khi còn đứng đầu chi nhánh của al-Qaeda tại Syria (được gọi là Mặt trận Al Nusra), cũng như lời hứa bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số của ông.
Chính quyền Mỹ đã đưa ra các yêu cầu liên quan đến chống khủng bố và các vấn đề khác mà Washington cho biết phải được đáp ứng để xem xét việc nới lỏng các lệnh trừng phạt. Chính phủ Syria cho biết một số yêu cầu, chẳng hạn như lệnh cấm các chiến binh nước ngoài trong chính phủ và lực lượng vũ trang của Syria, phải được đàm phán. Nhưng đồng thời, họ đã có những động thái hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu khác.
Syria gần đây đã đưa một nhóm chuyên gia pháp y từ Qatar đến để tìm kiếm hài cốt của những người Mỹ bị giết hại. Theo các quan chức Syria, chính quyền mới tìm cách tránh xung đột với tất cả các nước láng giềng, bao gồm cả Israel, và hoan nghênh đầu tư của Mỹ.
Một ngày sau khi công bố sẽ xóa bỏ các lệnh trừng phạt hà khắc, Tổng thống Trump đã có cuộc gặp mang tính lịch sử với ông al-Sharaa với sự chứng kiến của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa tổng thống hai nước trong vòng 25 năm qua và được thực hiện ngay trong những ngày đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông của ông Trump, được xem như bước ngoặt lớn đối với cả hai phía.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đánh giá việc nới lỏng trừng phạt là một quyết định táo bạo, hy vọng lãnh đạo mới của Syria sẽ tận dụng cơ hội này. Ông Rubio cũng đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Syria Asaad al-Shaibani tại Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về việc bình thường hóa quan hệ.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Lindsey Graham cho biết trong một tuyên bố rằng ông "rất thiên về " ủng hộ việc nới lỏng lệnh trừng phạt trong các điều kiện phù hợp. Theo ông: "Chính phủ mới thành lập này ở Syria có thể là một khoản đầu tư tốt và có thể là con đường thống nhất Syria, biến nơi này thành một phần ổn định của khu vực".
Việc tuyên bố sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria và các cuộc gặp ngay sau đó phản ánh sự điều chỉnh trong chiến lược của Mỹ tại Trung Đông. Sau hơn một thập kỷ can thiệp quân sự và áp đặt trừng phạt, Washington nhận ra rằng các biện pháp này không đạt được hiệu quả như mong muốn và thậm chí còn làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo tại Syria, đặc biệt khi các nước trong khu vực đang chuyển hướng. Dỡ bỏ cấm vận có chọn lọc là cách để Mỹ giữ vai trò ảnh hưởng và khuyến khích cải cách.
Tổng thống Trump đã bày tỏ hy vọng Syria có thể tham gia Hiệp định Abraham cùng với các quốc gia Arab và Hồi giáo khác để bình thường hóa quan hệ với Israel, một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực nhưng lại không được Washington tham vấn trước về quyết định công nhận chính phủ mới ở Syria.
Ông Trump cho biết quyết định được đưa ra sau các cuộc thảo luận với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, trong đó hai nhà lãnh đạo kêu gọi Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tái thiết Syria.
Nền kinh tế Syria đã bị tê liệt trong nhiều năm do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Biện pháp khắc nghiệt nhất là Đạo luật Caesar năm 2019 của Mỹ, áp đặt các lệnh trừng phạt rộng rãi hạn chế các cá nhân, công ty hoặc chính phủ khỏi các hoạt động kinh tế được cho là "hỗ trợ nỗ lực chiến tranh" của chính quyền cũ.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế của Syria đã suy giảm hơn một nửa trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2020. Tính đến năm 2022, tình trạng nghèo đói đã ảnh hưởng đến 69% dân số nước này. WB cho biết trong bốn người Syria thì có hơn một người bị ảnh hưởng của tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2022, đồng thời cho rằng con số đó có khả năng còn tồi tệ hơn sau trận động đất tàn khốc vào tháng 2/2023.
Các quốc gia vùng Vịnh rất muốn đầu tư vào Syria và hỗ trợ nền kinh tế của nước này nhưng vẫn cảnh giác với việc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Động thái của Mỹ có khả năng sẽ xóa bỏ những rào cản như vậy, mở đường cho các khoản đầu tư ước tính lên tới hàng tỷ USD.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết ông al-Sharaa đã “bày tỏ hy vọng Syria sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại giữa Đông và Tây, đồng thời mời gọi các công ty Mỹ đầu tư vào ngành dầu khí của Syria”.
Hầu hết các luật trừng phạt do Quốc hội Mỹ thông qua, bao gồm cả gói trừng phạt cứng rắn năm 2019 đối với Syria, đều bao gồm một điều khoản cho phép tổng thống đình chỉ chúng nếu chủ nhân Nhà Trắng cho rằng điều đó vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố dỡ bỏ toàn bộ các lệnh cấm vận, nhưng quá trình này không hề đơn giản, có thể mất nhiều tháng để thực hiện, do cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan chính phủ và quốc hội Mỹ.
Theo Ngoại trưởng Rubio, việc giảm nhẹ trừng phạt có thể được thực hiện dưới hình thức miễn trừ để cho phép kinh doanh tại Syria. Ông cũng gợi ý rằng chính quyền có thể "sớm" yêu cầu các nhà lập pháp bãi bỏ vĩnh viễn một số lệnh trừng phạt.
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Syria, mở đường cho hoạt động đầu tư quốc tế vào quốc gia Trung Đông này, Chính phủ Syria và Tập đoàn DP World của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã ký biên bản ghi nhớ, trị giá 800 triệu USD, nhằm phát triển cảng Tartous.
WB cũng cho biết ngân hàng này sẽ tái khởi động hoạt động tại Syria sau khi Saudi Arabia và Qatar thanh toán các khoản nợ tồn đọng của Damascus, với dự án đầu tiên sẽ tập trung vào cải thiện khả năng tiếp cận điện năng - bước đầu tiên trong kế hoạch tăng cường hỗ trợ của WB nhằm giải quyết những nhu cầu cấp bách của Syria và đầu tư vào phát triển dài hạn.
Việc dỡ bỏ cấm vận mở ra cơ hội lớn cho Syria trong việc tái thiết đất nước sau hơn một thập kỷ nội chiến. Các lĩnh vực như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và kinh tế có thể nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ. Chính phủ lâm thời cần thực hiện các cải cách chính trị, đảm bảo an ninh và ổn định, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài để phục hồi nền kinh tế. Thành công của quyết định này phụ thuộc vào cam kết và hành động thực chất từ cả hai phía Mỹ và Syria, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
- Từ khóa :
- công du vùng Vịnh
- Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ yêu cầu Walmart "gánh chịu thuế quan" thay vì tăng giá
13:00'
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Walmart nên "gánh chịu thuế quan", thay vì đổ lỗi cho các loại thuế chính quyền của ông áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân khiến nhà bán lẻ này tăng giá.
-
Ý kiến và Bình luận
Ngoại trưởng Nga, Mỹ điện đàm về Ukraine và quan hệ song phương
09:14'
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Marco Rubio ngày 17/5, trao đổi quan điểm xung quanh cuộc hòa đàm về xung đột Ukraine.
-
Ý kiến và Bình luận
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ tầm nhìn táo bạo sau 100 ngày tại nhiệm
08:05' - 05/05/2025
Ông Trump đã đưa ra một loạt các tuyên bố đáng chú ý về thuế quan, nhập cư, đối ngoại và cả tương lai chính trị của mình.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ thấp nỗi lo suy thoái kinh tế
09:48' - 03/05/2025
Ông Trump trả lời rằng ông "không" lo lắng về suy thoái kinh tế, đồng thời nêu rõ bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng ông cho rằng đất nước sẽ có nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Moody’s hạ bậc tín nhiệm Mỹ, nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tài khóa
18:59'
Việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm, sau các động thái tương tự của Fitch vào năm 2023 và Standard & Poor’s vào năm 2011, sẽ dẫn đến chi phí vay cao hơn cho cả khu vực công và tư nhân ở Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Indonesia ban hành cảnh báo hàng không mức cao nhất do núi lửa phun trào
18:27'
Các máy bay được khuyến cáo nên thận trọng với các đám mây tro bụi.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ yêu cầu Walmart "gánh chịu thuế quan" thay vì tăng giá
13:00'
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Walmart nên "gánh chịu thuế quan", thay vì đổ lỗi cho các loại thuế chính quyền của ông áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân khiến nhà bán lẻ này tăng giá.
-
Kinh tế Thế giới
Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua
07:56'
Nhiều sự kiện kinh tế thế giới quan trọng đã diễn ra trong tuần qua như: Mỹ và Trung Quốc ngừng áp thuế trong 90 ngày và giảm đáng kể các mức thuế quan đối ứng; Hội nghị Bộ trưởng thương mại APEC...
-
Kinh tế Thế giới
Nhà Trắng có thể công bố các biểu thuế quan mới trong 2-3 tuần tới
15:58' - 17/05/2025
Tổng thống Trump đã ám chỉ rằng Washington có thể sắp công bố các biểu thuế mới được tính riêng theo từng quốc gia.
-
Kinh tế Thế giới
Tín hiệu cảnh báo về sức mạnh kinh tế của Mỹ
15:04' - 17/05/2025
Moody's ngày 16/5 đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA1 do nợ công gia tăng. Như vậy, Mỹ đã mất xếp hạng tín nhiệm AAA từ một cơ quan xếp hạng lớn.
-
Kinh tế Thế giới
Chương mới cho mối quan hệ lợi ích gắn kết
14:05' - 17/05/2025
Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của mình với những kết quả được đánh giá khá tích cực.
-
Kinh tế Thế giới
Cuba thúc đẩy hợp tác kinh tế với doanh nghiệp Việt Nam
11:37' - 17/05/2025
Trong nỗ lực đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã có buổi làm việc quan trọng với đoàn doanh nghiệp Việt Nam do Tập đoàn Thái Bình dẫn đầu vào ngày 16/5.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ sẽ thông báo mức thuế mới cho nhiều đối tác trong 2-3 tuần tới
11:16' - 17/05/2025
Tổng thống Mỹ ngày 16/5 cho biết trong 2-3 tuần tới, chính quyền của ông sẽ thông báo cho nhiều đối tác thương mại về mức thuế mới mà họ phải trả nếu muốn tiếp tục kinh doanh tại thị trường Mỹ.