Bước ngoặt của ngành điện Việt Nam - Bài 5: Sự phát triển không tương ứng

16:07' - 03/05/2018
BNEWS Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hoạt động kinh doanh của ngành Điện từ năm 1975 - 1980 ở cả 3 miền đất nước cũng có sự khác nhau.

Cụ thể, miền Bắc về cơ bản vẫn thực hiện theo phương thức cũ, với tổ chức Công ty Điện lực - Sở Điện lực - Chi nhánh điện trong công tác kinh doanh bắt đầu nghiên cứu và thí điểm làm hóa đơn qua máy tính cổ điển.

Công ty Điện lực 1 đặt 8 máy tính tại số 2F Quang Trung, Hà Nội để làm hóa đơn tiền điện và làm hóa đơn nhiều giá.

Đường dây 220kV Xekaman 1 - Pleiku 2. Ảnh: TTXVN

Tại miền Trung vẫn tiếp tục thu tiền điện trực tiếp tại các chi nhánh điện lực, Sở Điện lực và bắt đầu nghiên cứu lập hóa đơn trên máy tính. Miền Nam làm hóa đơn tiền điện trên máy tính IBM, tập trung cho toàn bộ các cơ sở của Công ty Điện lực 2.

Trong thời gian này, tình hình cung cấp điện của cả nước vẫn tiếp tục căng thẳng, nhất là sau những năm 1980. Sản lượng điện sản xuất không đáp ứng được nhu cầu phụ tải cả về lượng và chất; chu kỳ cắt điện luân phiên lại tiếp diễn ở cả 3 miền, thậm chí khi bão lũ, ngập úng phải cắt điện công nghiệp và điện sinh hoạt ở nhiều vùng dân cư.

 Việc đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vẫn còn một khoảng cách dài và trở thành bài toán khó đối với ngành. 

Nguyên nhân sâu xa được nhìn nhận là giai đoạn này, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Nước ta không còn nhận được nguồn viện trợ dồi dào từ bên ngoài.

Trong khi đó, hậu quả khốc liệt của các cuộc chiến tranh còn ghi đậm dấu ấn trên nhiều vùng, miền nước ta.... Kinh tế chậm phát triển đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các ngành công nghiệp; trong đó có ngành Điện.

Hơn nữa, trong quá trình thực hiện, nước ta cũng chưa đề ra được chủ trương, phương hướng cụ thể về điện khí hóa hợp lý, chưa có bước đi phù hợp với tiềm lực kinh tế, tiềm lực năng lượng ban đầu của đất nước.

Ngành Điện tuy đã có nhiều biện pháp cố gắng phục hồi các nhà máy thủy điện, để bù vào nguồn điện thiếu hụt từ nhiệt điện, nhưng do những hạn chế, yếu kém về chất lượng thiết bị và kỹ thuật, việc nâng công suất phát ra của những cơ sở này ít kết quả.

Trong Báo cáo tổng kết 25 năm ngành Điện Việt Nam (1955 - 1980), bên cạnh những kết quả và thành tựu, Bộ Điện và Than đã thẳng thắn chỉ ra và làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những yếu kém, bất cập của ngành, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích.

Đó là bản chất của vấn đề điện khí hóa chưa được nghiên cứu đến nơi đến chốn. Trong nhiều năm, chúng ta mới thực hiện được một phần cơ bản về cung cấp điện, trong khi vấn đề điện khí hóa còn liên quan trực tiếp đến cả các vấn đề về giáo dục nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức hiểu biết về điện lực; vấn đề học tập, vận dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất. Việc lập kế hoạch để triển khai điện khí hóa còn đơn giản, nhất là chưa xác định một cách cụ thể, khả thi nguồn vốn của điện khí hóa.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa tính toán đầy đủ và sát thực tế dẫn tới lúng túng trong khâu phân phối điện; chưa nắm chắc nhu cầu phụ tải cũng như chưa phân loại tốt phụ tải.

Có nơi khi xảy ra tình huống xấu đã xử lý cắt điện không hợp lý, gây thiệt hại cho đơn vị sản xuất và các hộ dân.

Báo cáo đã chỉ ra việc ngành chưa nắm chắc định mức và sử dụng định mức đó như một công cụ sắc bén trong việc cung cấp điện.

Thủy điện Trung Sơn-Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN

Ngành Điện cũng đã nhiều lần đặt vấn đề đo, ghi, lập định mức nhưng vào thời điểm đó vẫn chưa thực hiện được... 

Thống kê của ngành Điện cho thấy công suất và sản lượng điện của miền Nam vẫn là lớn nhất, tiếp đến là miền Bắc và sau cùng là miền Trung, tương ứng với tốc độ phát triển kinh tế thực tế của 3 miền.

 Đồng thời cũng cho thấy có những bất hợp lý nhất định về công suất và sản lượng điện, nhất là ở khu vực miền Bắc.

Đó là công suất nguồn khá cao (590MW), nhưng làm ra sản lượng điện lại thấp (606 triệu kWh), trong khi khu vực miền Nam với công suất nguồn chỉ nhỉnh hơn miền Bắc là khoảng 58MW, nhưng lại có sản lượng điện lên tới 1.280 triệu kWh, hơn gấp đôi sản lượng điện miền Bắc. Khu vực miền Trung cũng vậy. Công suất nguồn (105MW) trong khi sản lượng điện chỉ đạt 80 triệu kWh. 

Lý giải về sự phát triển không tương ứng của hoạt động điện lực giai đoạn này có hai nguyên nhân chủ yếu: Một là chiến tranh biên giới ngày 19/2/1979 kéo dài một số năm đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, nghề; ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân khu vực miền Bắc và cả miền Trung, khiến sản lượng điện tiêu thụ giảm rõ rệt, cho dù công suất thiết kế, lắp đặt của các nhà máy điện ở miền Bắc có khá hơn.

Thứ hai vấn đề tổn thất điện năng lớn, gây lãng phí chưa được kịp thời giải quyết, thậm chí có xu hướng ngày càng trầm trọng, cũng góp phần vào tình trạng thiếu điện liên miên trong những năm 1975 - 1980 và cả ở những giai đoạn sau./.

>>> Bài 6: Quản lý thống nhất lưới điện quốc gia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục