Bước tiến cho khu vực nông thôn - Bài cuối: Tiếp bước không ngừng

16:37' - 07/06/2022
BNEWS Mặc dù kết quả số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn nhiều khiêm tốn, nhưng nhìn chung diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc.

Xây dựng nông thôn mới đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xác định rõ là một hành trình không có điểm kết thúc. Công cuộc xây dựng nông thôn mới nhằm thúc đẩy một xã hội phát triển đồng đều từ thành thị đến nông thôn.

Chính vì vậy, quán triệt chủ trương này, Đảng ủy, UBND tỉnh Bến Tre cũng hướng đến mục tiêu phát triển nông thôn mới không ngừng nghỉ.

 

Nỗ lực mọi mặt

Mặc dù kết quả số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn nhiều khiêm tốn, nhưng nhìn chung diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng được thu hẹp, nếp sống văn minh, tình làng nghĩa xóm được gắn kết và phát huy sức mạnh cộng đồng. Đây chính là sự nỗ lực rất lớn của toàn thể Đảng ủy, UBND tỉnh, các cấp của Bến Tre.

Bên cạnh những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ đúng lộ trình được giao, nhiều địa phương của tỉnh Bến Tre cũng thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới được nhanh chóng, hoàn thiện trước nhiệm kỳ để đời sống của người dân được cải thiện hơn nữa. Đặc biệt, đưa kinh tế của tỉnh Bến Tre nói chung, kinh tế vùng nông thôn nói riêng phát triển vượt bậc để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh với các địa phương tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, nếu nói về cạnh tranh thì từng địa phương của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều tăng tốc, phát triển từng ngày. Tỉnh Bến Tre hiện xác định làm thật tốt từng nhiệm vụ, từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới mỗi ngày để người dân thấy rõ được sự thay đổi lớn nhất, tạo động lực cho người dân tham gia tích cực hơn trong xây dựng nông thôn mới.

Sự tích cực này hiện được các địa phương thực hiện rốt ráo. Ông Từ Xuân Tiếng, Bí thư xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm chia sẻ, thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã Châu Bình, nhiệm kỳ 2020-2025, xã Châu Bình quyết tâm đến cuối nhiệm kỳ đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng vừa qua đảng ủy xã Châu Bình đã thống nhất, quyết tâm cao đến cuối năm 2023 xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu, trước 2 năm so với Nghị quyết của Đảng ủy. Kế hoạch này cũng được người dân đồng lòng ủng hộ, tin tưởng vào chủ trương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Tại xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, sự nỗ lực không ngừng để hoàn thành xây dựng nông thôn mới, hướng đến nông thôn mới nâng cao cũng được người dân đồng lòng trợ sức. Ông Phạm Minh Đạt, Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh cho biết, các ngành cấp trên đã đầu tư hệ thống đê bao khép kín đã tạo động lực cho người dân trong xã Thới Thạnh tập trung phát triển kinh tế, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Theo nghị quyết, năm 2023 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhưng với sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, xã Thới Thạnh phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Xã Thới Thạnh xác định sau khi được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, sẽ cùng người dân quyết tâm cao xây dựng và hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.

Ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú chia sẻ, hiện huyện Thạnh Phú cũng đã xây dựng xong đề án xây dựng huyện nông thôn mới và trình UBND tỉnh phê duyệt; trong đó, sẽ phát triển 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đồng thời, Thạnh Phú cũng phấn đấu từ năm 2022 trở đi sẽ đạt 3 xã nông thôn mới mỗi năm, đến năm 2025 sẽ đạt 17/17 xã chuẩn nông thôn mới, tiến tới đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Để có thể làm được điều này, sự đồng lòng và nỗ lực mọi mặt của người dân, các cấp chính quyền trên địa bàn xã đóng vai trò rất lớn.

Đó chỉ mới ở từng địa phương nỗ lực, còn toàn tỉnh Bến Tre, sự nỗ lực của mỗi địa phương góp phần vào sự thành công trong xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh Bến Tre. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Bến Tre phấn đấu để huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Châu Thành, Bình Đại đạt chuẩn huyện nông thôn mới, có ít nhất 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên, có ít nhất 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao/80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi huyện, thành phố có 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhiều biện pháp khắc phục khó khăn

Khi đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, chưa dừng lại ở đó, từng địa phương của tỉnh Bến Tre vẫn tiếp tục đi lên trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Sau những nỗ lực để hoàn thiện các tiêu chí nâng cao, hướng đến các tiêu chí kiểu mẫu, dù nhiều địa phương chưa xác định được tiêu chí kiểu mẫu cụ thể, nhưng vẫn luôn giữ tiêu chí đã hoàn thành và thực hiện nâng cấp các tiêu chí liên quan trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, có những tiêu chí cứng dù đã hoàn thành nhưng khó giữ vững, đó là giao thông, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng và an ninh trật tự, xử lý chất thải sản xuất. Sau 1 năm thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, tỉnh Bến Tre đã dần có những bước khắc phục khó khăn trong thực hiện các tiêu chí này.

Cụ thể, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức đoàn giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU và Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy tại 5 huyện dự kiến đạt chuẩn huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã tổ chức 4 cuộc họp để sơ tổng kết kết quả thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo đó từng địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; trong đó,  có phong trào “Ngày chủ nhật nông thôn mới”, duy trì giữ vững, nâng chất các tiêu chí đã đạt, tập trung triển khai các cơ chế, chính sách của Nhà nước, huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương. Đây là những giải pháp cốt lõi, tổng thể có tầm quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhằm mục tiêu tiếp tục công cuộc xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh Bến Tre, đưa nhiều địa phương hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Tỉnh ủy Bến tre cũng có nhiều phương hướng để các địa phương làm kim chỉ nam trong quá trình thực hiện. Bà Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, tỉnh Bến Tre tiếp tục đôn đốc các ngành, địa phương bám sát mục tiêu, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Đồng thời, tỉnh Bến Tre cũng chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật kế hoạch số 2507/KH-UBND để phù hợp theo các mục tiêu, giải pháp của  Trung ương về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và của người dân trong thực hiện xã, huyện đạt chuẩn, nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong thực hiện chương trình.

Tỉnh Bến Tre cũng cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, bộ tiêu chí về nông thôn mới các cấp trong giai đoạn này. Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh cũng tập trung rà soát chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, xúc tiến thương mại, cả hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP…

Để có thể đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới theo như mục tiêu đã đề ra, ngoài nguồn lực ngân sách nhà nước, tỉnh Bến Tre cũng tập trung huy động nguồn lực, ưu tiên lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và cả các nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp khác.

Bằng những giải pháp sâu sát, thiết thực, lấy nhân dân làm nòng cốt, cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở làm tiên phong, tỉnh Bến Tre quyết tâm vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới, tiến tới nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới./.

>>Nâng cao vị thế nông sản - Bài 1: Đòn bẩy cho kinh tế nông thôn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục