Bước tiến cho khu vực nông thôn - Bài 1: Nhiều cách làm hay

16:33' - 07/06/2022
BNEWS Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bến Tre đã tạo nên nhiều chuyển biến cho diện mạo nông thôn.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng hoàn thiện, hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế… được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Những thay đổi tích cực này được nhóm phóng viên TTXVN thể hiện qua chùm bài "Bước tiến cho khu vực nông thôn".
Bài 1: Nhiều cách làm hay
Xây dựng nông thôn mới là một quá trình chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, bằng tất cả những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng lòng của người dân, tỉnh Bến Tre đã có những kết quả đáng khích lệ trong quá trình hơn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới; trong đó, những phương pháp làm hay, những tinh thần tiên phong trong phong trào đã mang lại những thay đổi bất ngờ cho khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
*Lấy đảng viên làm tiên phong
Tiếp tục kế thừa và phát huy mạnh mẽ tinh thần “Đồng Khởi” trong xây dựng nông thôn mới, Chương trình số 09 của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 – 2025, định hướng 2030 nêu rõ, toàn tỉnh tập trung, chú trọng thực hiện 4 tiêu chí là thu nhập, giao thông, môi trường và an ninh.

 

Thống nhất quan điểm trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân: xây dựng nông thôn mới làm nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm của cấp cơ sở, là mũi nhọn đột phá trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp.
Chính vì sự đồng lòng này, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng,việc triển khai thực hiện “Ngày chủ nhật nông thôn mới” được người dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, toàn tỉnh có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 39 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Trung bình đạt 16,25 tiêu chí/xã. Trong các huyện, thành phố, huyện Chợ Lách được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Bến Tre được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để có thể hoàn thiện quá trình xây dựng nông thôn mới trong suốt 10 năm qua, từng địa phương cơ sở của tỉnh Bến Tre đồng loạt triển khai nhiều cách làm hay, điển hình để nhanh chóng thúc đẩy tiến trình này. Trong đó, mỗi đơn vị ấp, xã với cấp nhỏ nhất đồng loạt, rốt ráo thực hiện, dù trong những điều kiện ban đầu còn nhiều khó khăn.
Theo ông  Nguyễn Văn Vũ, Bí thư Chi bộ ấp Xương Long, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, thực hiện xây dựng nông thôn mới gặp nhiều tiêu chí khó hoàn thành như tiêu chí môi trường, phá bỏ các cầu cá tại khu vực nông thôn. Đây là thói quen sinh hoạt của người dân nên việc vận động cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, chi bộ ấp Xương Long đã đồng lòng, các đảng viên đi đầu thực hiện phá bỏ cầu cá, từ đó vận động người dân làm theo.
Có những trường hợp hộ dân đã xây dựng nhà vệ sinh trong khuôn viên nhà ở, những vẫn để cầu cá, chi bộ ấp đã bắt buộc phải cùng chính quyền địa phương đến tháo dỡ. Nhìn chung, dù khó khăn nhưng tự trong hệ thống đảng viên, cùng với những cuộc họp tự quản được người dân đồng tình, đồng loạt đóng góp theo khả năng của mỗi hộ dân, với tổng kinh phí đóng góp của người dân là 100 triệu đồng, phá bỏ 200 cây dừa đề làm các tuyến đường giao thông trong ấp.
Đó chỉ là một điển hình khi phong trào xây dựng nông thôn mới đã được khởi xướng, huyện Thạnh Phú đã được phân công UBND tỉnh Bến Tre phân công nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thời điểm khó khăn nhất vẫn là giai đoạn đầu tiên, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phát động chương trình vào năm 2010, huyện Thạnh Phú với khởi đầu thấp, hạ tầng giao thông còn sơ sài, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với tinh thần tự lực, tự nguyện, cán bộ, chính quyền địa phương xã Thới Thạnh đã tự khơi dây tinh thần xây dựng nông thôn sạch đẹp hơn, khang trang hơn.
Theo ông Võ Văn Ân, nguyên Bí thư xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, lúc bấy giờ cả xã chỉ có một ngôi trường cấp 2, nhưng không có được một lối đi vào hoàn thiện. Chính ông Ân đã tự nguyên hiến 600 m2 đất nhà để làm hai lối vào cho học sinh đi vào trường cấp 2. Đồng thời, ông Ân cũng tự bỏ kinh phí để nâng cấp bê tông hai lối đi này khang trang hơn, sạch đẹp hơn.
Đó là chưa kể, ông Ân vận động từng đảng viên trong chi bộ xã Thới Thạnh nâng cao tinh thần tự nguyện xây dựng nông thôn mới, vận động, tuyên truyền đến từng hộ dân những lợi ích mang lại nếu xã hoàn thiện xây dựng nông thôn mới.

Từ đó, diện mạo nông thôn xã Thới Thạnh dần thay đổi cho đến ngày nay, từng con đường liên ấp đều được người dân trồng hoa tạo cảnh quang, môi trường tại các vườn dừa thông thoáng, sạch sẽ.
*Đời sống người dân khởi sắc
Dù phải hoàn thành bao nhiêu tiêu chí để đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thì tiêu chí cần phải chú trọng nhất vẫn là thu nhập của người dân, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao. Có như vậy, quá trình xây dựng nông thôn mới mới được duy trì lâu dài và ngày càng đi lên.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, qua quá trình hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tỉnh Bến Tre đạt 50 triệu đồng/người/năm, tăng 36 triệu đồng so với năm 2010. Diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ nét.
Nói về những thay đổi của vùng nông thôn hiện nay so với lúc mới bắt tay vào quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân phấn khởi và lộ rõ nét vui mừng trên gương mặt khi nói về hiệu quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bến Tre.

Điển hình như anh Phạm Văn Hải, một nông dân sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại ấp Bình An, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm chia sẻ, quá trình xây dựng nông thôn mới của xã Châu Bình cũng bắt đầu từ  năm 2010, sau 5 năm vùng nông thôn Châu Bình đã có sự biến chuyển về giao thông.
Những con đường đất, sình lầy khó đi vào mùa mưa dần được thay thế bằng những con đường bê tông sạch đẹp. Thêm vào đó, cũng nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, anh Hải được chọn là 1 trong 15 công nhân hợp tác lao động với các công ty tại Nhật Bản vào năm 2014.
Mặc dù chỉ là một công nhân cơ khí, nhưng khi trở về quê hương vào năm 2017, anh Hải có được một số vốn tích góp trong 3 năm tại Nhật Bản, mở một vườn dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, cho thu nhập ổn định 120 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu nhập này, anh mở thêm các vườn cây, trồng dừa, cũng như đóng góp thêm nguồn vốn để xã Châu Bình có kinh phí xây dựng nông thôn mới tiếp theo.

Là một lão nông lâu năm với nghề trồng dừa của xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, ông Bùi Văn Cửng, ấp Bình Phú, vừa tỉa những đọt cây lởm chởm trước hàng rào sân nhà, vừa vui vẻ, phấn khởi nói về quá trình xây dựng nông thôn mới mang lại lợi ích lớn cho người dân Bến Tre, ông rất hài lòng về những kết quả đạt được sau 10 năm xây dựng nông thôn mới.
Khi các tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp khang trang hơn, cũng giúp cho việc tiêu thụ nông sản của người dân thuận lợi hơn. Các thương lái thu mua có thể vào tận vườn của các hộ trồng dừa thu gom với giá cao hơn so với việc người dân tự bẻ dừa, tự vận chuyển giao cho người thu mua, bởi khi chưa xây dựng nông thôn mới, giao thông không thuận lợi, gây nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ dừa của xã Châu Bình.

Khi nói về con đường trước nhà, ông Cửng không giấu được niềm vui, bởi con đường nay do chính ông hiến 80 mét chiều dài, 2,5 m chiều ngang và bỏ kinh phí 30 triệu đồng, nâng cấp bê tông, để các con đường bê tông trong xã được nối nhau liền mạch.
Theo ông Từ Xuân Tiếng, Bí thư xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, hiện nay kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của xã đã được nâng cấp toàn bộ, kinh tế phát triển hơn nhiều, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đạt 62 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với lúc mới khởi điểm xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được kết quả này, Đảng ủy xã Châu Bình đã thực hiện nhiều biện pháp để giúp người dân nâng cao đời sống như phát triển hợp tác xã, xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Nhờ sự đồng lòng của người dân, các phong trao do Đảng ủy xã cùng với UBND xã phát động đều được hưởng ứng, ủng hộ. Nhờ đó, tạo nên xã nông thôn mới nâng cao vừa được công nhận vào cuối năm 2021./.
Xem thêm: Bài cuối: Tiếp bước không ngừng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục