Bước tiến trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Nền kinh tế số ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử trở thành một thách thức lớn đối với các quốc gia; trong đó có Việt Nam.
Mới đây, Chính phủ đã đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 42 của Luật Quản lý thuế theo hướng loại bỏ cụm từ "không có cơ sở thường trú tại Việt Nam". Đề xuất này đã thu hút sự quan tâm từ nhiều cơ quan chức năng và giới chuyên gia.
"Cơ sở thường trú" là một khái niệm quan trọng trong hệ thống pháp lý quốc tế, đặc biệt trong các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA). Theo định nghĩa, một nhà cung cấp nước ngoài được coi là có cơ sở thường trú tại một quốc gia khi họ có một hiện diện vật lý tại quốc gia đó, chẳng hạn như văn phòng, nhà máy hoặc nhân viên. Điều này có nghĩa là họ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế tại quốc gia nơi có cơ sở thường trú.
Tại Việt Nam, khái niệm này được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và được sử dụng để xác định quyền tài phán về thuế giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Thực tế, việc xác định cơ sở thường trú rất quan trọng trong việc thu thuế và quản lý tài chính quốc gia. Nếu một nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, sẽ không bị đánh thuế thu nhập tại đây theo quy định của các Hiệp định DTA. Do đó, việc Chính phủ đề xuất loại bỏ cụm từ "không có cơ sở thường trú" tại khoản 4 Điều 42 sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong cách thức quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài. Theo Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách, khái niệm "cơ sở thường trú" không chỉ là yếu tố để xác định quyền thu thuế mà còn là công cụ để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước trong việc thu thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài. Nếu cụm từ này bị loại bỏ, sẽ có nguy cơ gia tăng tình trạng các nhà cung cấp nước ngoài lợi dụng hiệp định thuế để trốn thuế.Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc giữ nguyên khái niệm này là cần thiết để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế cũng như trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước Việt Nam của các nhà cung cấp nước thì cần bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam”.Hiện nay, trên thực tế nhiều nhà cung cấp như Meta, Google, và Netflix đang đề nghị cơ quan thuế hoàn trả lại số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp do họ khẳng định rằng họ không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, số thuế đề nghị hoàn trả lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí, Luật sư Nguyễn Duy Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao, cho rằng khoản 4 Điều 42 quy định về nguyên tắc kê khai tính thuế, đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Như vậy, các nhà cung cấp ở nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam sẽ không có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế nêu trên. Trong trường hợp này, theo Luật sư Nguyễn Duy Nguyên, các nhà cung cấp ở nước ngoài có quyền chỉ thực hiện nghĩa vụ là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên phần lợi nhuận phân bổ cho cơ sở thường trú theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần.Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng và pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thì các nhà cung cấp nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam, thì nhà cung cấp ở nước ngoài thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng.
Từ đó gây khó khăn trong việc thu thuế từ các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nước ngoài (ví dụ như trường hợp của các nhà cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến booking, agoda).
“Theo tôi, để tạo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế, và đảm bảo đầy đủ nguồn thu đối với hoạt động thương mại điện tử, cần phải sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 42 về nguyên tắc khai thuế, tính thuế theo hướng bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam”, Luật sư Nguyễn Duy Nguyên chia sẻ. Tổng cục Thuế cũng cho rằng, việc giữ lại cụm từ "không có cơ sở thường trú" có thể không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hiện nay. Các giao dịch trực tuyến không yêu cầu sự hiện diện vật lý tại Việt Nam, do đó, việc xác định cơ sở thường trú trở nên phức tạp hơn. Theo Tổng cục Thuế, các Hiệp định DTA đã được ký kết từ nhiều năm trước, nhưng chủ yếu áp dụng cho các hoạt động kinh doanh truyền thống có sự hiện diện vật lý. Trong khi đó, kinh doanh thương mại điện tử hoạt động chủ yếu trên không gian mạng, không có sự hiện diện vật lý, dẫn đến việc áp dụng các quy định thuế hiện hành trở nên không phù hợp. Theo thống kê từ Tổng cục Thuế, đến nay đã có 115 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và thực hiện nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, với tổng số thuế nộp vào ngân sách nhà nước đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng.Cổng thông tin điện tử đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp nước ngoài chủ động thực hiện quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời đại kinh tế số.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề trong việc quản lý thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Một số nhà cung cấp nước ngoài cho rằng có "cơ sở thường trú" thông qua việc thành lập các văn phòng đại diện tại Việt Nam. Điều này dẫn đến việc nhà cung cấp nước ngoài không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế qua Cổng thông tin điện tử, mà thay vào đó, thực hiện qua cơ chế khai thay, nộp thay thuế của các tổ chức trong nước.Những giao dịch này chủ yếu là các giao dịch B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), trong khi giao dịch B2C (doanh nghiệp với cá nhân) lại chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, các cơ quan thuế đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và thu thuế. Sự đa dạng của các mô hình kinh doanh, cùng với việc các nhà cung cấp nước ngoài không có sự hiện diện vật lý tại Việt Nam, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có những điều chỉnh, thay đổi cả về chính sách và quản lý để đáp ứng thực tiễn trong tình hình mới. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc áp dụng các hiệp định DTA cũng gây ra khó khăn trong việc xác định trách nhiệm thuế. Nhiều nhà cung cấp nước ngoài lợi dụng các quy định này để tránh thực hiện nghĩa vụ thuế, làm giảm hiệu quả thu ngân sách. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi thuế thu nhập doanh nghiệp từ các giao dịch thương mại điện tử có thể trở thành nguồn thu quan trọng cho ngân sách quốc gia trong tương lai. Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 42 sẽ mở ra cơ hội cho cơ quan thuế trong việc quản lý thuế hiệu quả hơn. Nếu cụm từ "không có cơ sở thường trú" được loại bỏ, cơ quan thuế sẽ có cơ sở pháp lý để yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ thuế, dù họ có cơ sở thường trú hay không. Điều này không chỉ giúp mở rộng cơ sở thuế mà còn ngăn chặn tình trạng thất thu thuế, đảm bảo công bằng trong quản lý thuế giữa các nhà cung cấp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, việc này còn giúp Việt Nam tạo dựng một môi trường kinh doanh công bằng hơn cho các doanh nghiệp nội địa, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài một cách bền vững hơn. Các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 42 của Luật Quản lý thuế nhằm loại bỏ cụm từ "không có cơ sở thường trú" là một bước đi cần thiết trong việc cải cách hệ thống thuế tại Việt Nam. Việc này không chỉ đảm bảo quyền thu thuế của Nhà nước mà còn tạo ra một khung pháp lý rõ ràng cho các nhà cung cấp nước ngoài hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam.- Từ khóa :
- luật quản lý thuế
- thuế
- thu thuế
- thương mại điện tử
Tin liên quan
-
Ô tô xe máy
EU và Trung Quốc tiếp tục đàm phán về giải pháp thay thế thuế xe điện
21:49' - 25/10/2024
EU dự kiến sẽ áp thuế bổ sung lên tới 35,3% vào tuần tới đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, sau khi kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp.
-
Kinh tế Thế giới
Thái Lan sẽ bắt đầu áp “thuế đi lại” với du lịch hàng không từ giữa năm 2025
13:31' - 25/10/2024
Thuế mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào khoảng giữa năm 2025, bắt đầu từ những người đến bằng đường hàng không.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam kiến nghị áp thuế VAT 5% với phân bón
12:34' - 25/10/2024
Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam vừa có công văn kiến nghị áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với mặt hàng phân bón.
Tin cùng chuyên mục
-
Tài chính
Bitcoin phá ngưỡng 97.000 USD
15:27' - 21/11/2024
Giá bitcoin lần đầu tiên vượt mốc 97.000 USD trong bối cảnh lĩnh vực tài sản kỹ thuật số đang nỗ lực củng cố ảnh hưởng với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
-
Tài chính
Kiểm soát chi thúc đẩy giải ngân vốn đầu công
15:04' - 21/11/2024
Kho bạc Nhà nước Nam Định yêu cầu kiểm soát chi tăng cường phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung kiểm soát, thanh toán kịp thời với các dự án quy mô lớn, dự án trọng điểm của tỉnh
-
Tài chính
Bitcoin tiếp tục phi mã, lần đầu vượt mốc 95.000 USD
10:11' - 21/11/2024
Ngày 21/11, giá Bitcoin đã đạt mức cao kỷ lục mới, lần đầu tiên vượt mốc 95.000 USD, được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ nới lỏng quy định đối với tiền kỹ thuật số.
-
Tài chính
Khó thu hồi nợ thuế đối với doanh nghiệp chây ỳ
09:14' - 21/11/2024
Cục Thuế tỉnh Tây Ninh cho biết, đến hết tháng 9/2024 tổng số tiền thuế nợ tại Cục Thuế tỉnh Tây Ninh trên 536,7 tỷ đồng, giảm 39,8 tỷ đồng so với thời điểm tháng 8/2024.
-
Tài chính
Hàn Quốc: Thuế suất cao khiến thừa kế bất động sản trở thành gánh nặng
12:06' - 20/11/2024
Theo số liệu do Tổng cục Thuế Hàn Quốc công bố ngày 19/11, trong năm 2023, có 10.712 trường hợp người thừa kế bị đánh thuế có tuổi trên 80 tuổi, chiếm 53,7% tổng số trường hợp thừa kế trong cả nước.
-
Tài chính
Bitcoin lập đỉnh mới
10:31' - 20/11/2024
Ngày 19/11, Bitcoin đã lập đỉnh mới, vượt ngưỡng 94.000 USD khi có thông tin cho biết công ty truyền thông của ông Trump đang thương lượng mua công ty giao dịch tiền điện tử Bakkt.
-
Tài chính
Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành kho bạc
16:23' - 19/11/2024
Kho bạc Nhà nước Phú Thọ cho biết đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hoá các quy trình, hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; gia tăng tiện ích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân giao dịch với kho bạc.
-
Tài chính
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công cuối năm
15:39' - 19/11/2024
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm mục đích sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
-
Tài chính
Nhật Bản cân nhắc bỏ hạn mức mua sắm miễn thuế cho du khách nước ngoài
09:07' - 19/11/2024
Cơ quan Du lịch Nhật Bản đang kêu gọi xóa bỏ mức trần mua sắm miễn thuế đối với khách du lịch nước ngoài như một phần của cải cách thuế cho năm tài chính 2025.