Bưởi Luận Văn - biểu tượng của may mắn, tài lộc

06:06' - 08/02/2016
BNEWS Làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) - nơi duy nhất còn trồng và bảo tồn được giống bưởi quý Luận Văn tiến vua có từ thời Hậu Lê…

Qua bao thăng trầm của lịch sử, đã có thời giống bưởi quý này có nguy cơ tuyệt chủng nhưng trong những năm gần đây giống bưởi này đang được bảo tồn nhân rộng bởi có giá trị to lớn về mặt văn hóa, tâm linh và trở thành cây chủ lực xóa đói giảm nghèo của người dân địa phương. 

Thời Hậu Lê, bưởi tiến vua Luận văn được xem là sản vật quốc gia. Ảnh minh họa: thuonghieu2h.com.vn

* Biểu tượng may mắn, tài lộc 

Theo người dân địa phương, bưởi Luận Văn được gọi là bưởi Tiến vua. Bởi, vào thời tiền Lê, vua Lê Lợi trong công cuộc đấu tranh đánh đuổi quân nhà Minh xây dựng đất nước đã từng đi qua nơi đây. Người dân đem bưởi Luận Văn dâng nhà vua, vua ăn thấy ngon nên hàng năm nhân dân nơi đây đều cung tiến bưởi. 

Bưởi Luận Văn có đặc điểm đặc biệt đó là quả khi nhỏ có màu xanh, nhưng khi chín chuyển dần sang màu đỏ gấc. Bưởi có vị ngọt thanh, mát và hương thơm đặc trưng. Bưởi Luận Văn rất được ưa chuộng trên thị trường, nhất là vào các dịp ngày rằm, mùng một và đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán do bưởi có màu đỏ và tỏa ra một mùi thơm rất đặc trưng không giống bất kỳ một loại bưởi nào khác. 

Một đặc điểm nữa khiến cho bưởi Luận Văn được ưa chuộng đó là mặc dù bưởi chín từ khoảng tháng 9 – 10 âm lịch nhưng lại có thể neo trái trên cây đến dịp Tết Nguyên Đán nên người dân trồng bưởi thường để dành bán vào dịp Tết.

Bưởi Luận Văn có vị ngọt thanh, mát và hương thơm đặc trưng. Ảnh: buoiluanvan.com

Đây cũng chính là một đặc điểm riêng biệt của bưởi Luận Văn mà nhiều giống bưởi khác không có được. Từ đó, người trồng bưởi có thể lựa chọn thời điểm bán sao cho thích hợp và được giá nhất. 

Cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, bưởi Luận Văn bắt đầu chín. Lúc này, vỏ quả bưởi chuyển từ màu xanh sang xanh vàng rồi sang vàng xanh hay vàng nhạt. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 1 đến 3 tháng. Tuy nhiên, do màu sắc và mùi thơm đặc thù của bưởi Luận Văn nên người dân thường tập trung thu hoạch vào dịp Tết để bán cho được giá. 

Ngoài giá trị thuần túy là loại “trái cây ngon”, giống bưởi này còn có giá trị văn hóa, tâm linh rất ý nghĩa. Bởi vậy, người dân sử dụng bưởi đỏ Luận Văn để thờ cúng trong dịp Tết đến, Xuân về như một truyền thống của vùng. Điều thú vị là nếu được lau sạch bằng rượu, quả bưởi có thể tươi đẹp cả tháng, rất thích hợp cho việc thờ cúng trong dịp Tết và được xem như một biểu tượng của sự may mắn, tài lộc... 

* Bảo tồn giống bưởi quý 

Ông Lê Thọ Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thọ Xuân cho biết, nhận thấy đây là giống bưởi quý cần nhân rộng và phát triển nên các năm 2008, 2009, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa khôi phục, duy trì 4.000 cây bưởi trong vườn nhân dân. Đây đều là các cây trồng lâu năm của người dân, khi được chăm sóc đúng quy trình, tác động của việc ứng dụng khoa học đã cho quả đều, mã đẹp, có giá trên thị trường. 

Đến tháng 9/2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân thực hiện dự án "Ứng dụng kỹ thuật tiến bộ xây dựng mô hình trồng mới, thâm canh bưởi Luận Văn đặc sản tại Thọ Xuân – Thanh Hoá", người dân các xã Thọ Xương, Xuân Bái và Xuân Lam của Thọ Xuân đã hưởng ứng rất nhiệt tình. 

Thông qua việc hỗ trợ cây giống, một phần phân bón, thiết bị và đặc biệt là hỗ trợ về kỹ thuật chiết ghép, chăm sóc cây bưởi từ dự án, hiện đã có hàng trăm hộ dân tham gia phát triển diện tích trồng bưởi, có nhiều hộ duy trì vườn bưởi lâu năm kết hợp với việc trồng mới.

Đến nay, toàn huyện có khoảng 500 hộ tham gia trồng bưởi Luận Văn với diện tích trên 50 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Thọ Xương, Xuân Bái và Xuân Lam. 

Qua cổng làng cổ Luận Văn bạc màu thời gian, đến thăm vườn bưởi của gia đình ông Lê Minh Tâm, thôn Mục Ngoại, xã Thọ Xương. Với 2 ha bưởi tương đương với 400 gốc bưởi trồng từ năm 2012, năm nay, vườn bưởi của gia đình ông đã cho bói quả, hứa hẹn những vụ mùa bội thu những năm tiếp theo. 

Ông Tâm cho biết, hơn 500 quả bưởi tại vườn của gia đình thương lái đặt mua trước cả tháng nay. Mỗi quả bưởi Luận Văn bán ra vào dịp Tết có giá từ 150.000 - 200.000 đồng. Đặc biệt, những cặp bưởi đẹp có thể được bán với giá 400.000 - 500.000 đồng. 

Theo nhiều hộ dân trồng bưởi Luận Văn tại xã Thọ Xương, trong nhiều năm trở lại đây gia đình họ đã có nguồn thu ổn định từ việc trồng và kinh doanh bưởi này. Nhiều người dân còn cho rằng, nếu trồng và chăm sóc bưởi đúng quy trình có thể thu hoạch ổn định và có thể làm giàu từ giống bưởi quý này, bởi bưởi Luận Văn có những đặc trưng riêng mà các giống bưởi khác trồng tại địa phương không có được. 

Ông Lê Văn Luyện, một hộ trồng bưởi Tiến Vua lâu năm tại xã Thọ Xương cho biết, do bưởi đỏ tiến vua trồng tốt nhất tại thôn Luận Văn, nên lượng hàng khan hiếm, do vậy hiện nay trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện bưởi Luận Văn giả. Để mua được bưởi Luận Văn chính gốc, người tiêu dùng phải nắm được đặc điểm của loại bưởi này. 

Theo đó, bưởi Luận Văn có hình bầu dục, đỉnh quả lồi (đường kính quả trung bình 15 – 15,6 cm; chiều cao quả trung bình 15 – 15,8 cm). Hình dạng quả của bưởi Luận Văn khác với các giống bưởi nổi tiếng khác ở Việt Nam hiện nay: Bưởi Phúc Trạch có hình cầu dẹt hoặc hình tròn; bưởi Năm roi có dạng quả Lê; bưởi Da xanh có hình tròn cao; bưởi Đoan Hùng có hình cầu lồi; bưởi Diễn tròn hoặc tròn cao. 

Đây là một trong những chỉ tiêu giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt bưởi quả Luận Văn với các giống bưởi khác. 

Bà Nguyễn Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Xương cho hay, thấy được giá trị to lớn của sản vật quý giá này, những năm gần đây, UBND huyện Thọ Xuân phối hợp với Viện Rau quả đánh giá và tuyển chọn được 7 cây bưởi Luận Văn đầu dòng, hiện nay đã nhân được 1.000 cây bưởi S0, S1 và được lưu giữ trong nhà lưới tại xã Thọ Xương.

Đây chính là nguồn giống bố mẹ cung cấp mắt, cành ghép sạch bệnh cho sản xuất giống cây con bưởi Luận Văn đạt chất lượng tốt, phục vụ cho việc mở rộng diện tích bưởi Luận Văn trên địa bàn huyện thời gian tới. 

Xã Thọ Xương cùng với người dân làng Luận Văn đang đẩy mạnh khôi phục và nhân rộng giống bưởi này. Hiện xã đã trồng được 12 ha và phấn đấu đến năm 2018 sẽ trồng khoảng 38 ha trong nhân dân.

Đây là tiền đề quan trọng để xã Thọ Xương nói riêng và huyện Thọ Xuân nói chung hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, nhằm bảo tồn và phát huy giống bưởi quý này…/.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục