Các nước tìm cách cứu thỏa thuận thuế toàn cầu vào cuối tháng 6/2024

14:51' - 31/05/2024
BNEWS Ngày 30/5, gần 130 quốc gia đã tái cam kết cứu vãn trụ cột đầu tiên của thỏa thuận thuế toàn cầu nhằm vào các tập đoàn đa quốc gia có lợi nhuận cao vào cuối tháng 6/2024.

Trong nhiều tháng qua, các quan chức từ 127 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nỗ lực để hoàn thiện các điều khoản của một hiệp ước quốc tế về cách phân bổ lại quyền đánh thuế xuyên biên giới, chủ yếu nhằm vào những công ty kỹ thuật số lớn của Mỹ.

 
Trong một thông báo, các đồng chủ trì cuộc họp tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết những quốc gia đang "gần hoàn thành các cuộc đàm phán", đồng thời cho biết mục tiêu vẫn là đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 6/2024.

Hiệp ước đa phương này được cho là sẽ thay thế cho các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số quốc gia hỗn hợp mà Washington phản đối, cho rằng chúng nhắm không công bằng vào các gã khổng lồ kỹ thuật số của Mỹ.

Nếu không có một thỏa thuận thuế toàn cầu, nó có thể dẫn đến việc áp dụng lại các loại thuế thuế dịch vụ kỹ thuật số quốc gia và có khả năng làm bùng phát trở lại bất đồng thương mại giữa Mỹ và một số đồng minh châu Âu. Thỏa thuận đình trệ về thuế dịch vụ kỹ thuật số quốc gia có thể hết hạn vào tháng 7/2024.

Hiệp ước trên quy định cách các chính phủ phân bổ lại quyền đánh thuế đối với khoảng 200 tỷ USD lợi nhuận từ những công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất cho các quốc gia nơi doanh số bán hàng của họ được ghi nhận.

Đây là trụ cột số đầu tiên của thỏa thuận mang tính bước ngoặt gồm hai trụ cột được ký kết vào năm 2021, đồng thời cũng bao gồm kế hoạch thiết lập mức thuế suất doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu ở mức 15%. Trụ cột thứ hai đang trong quá trình triển khai.

Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti cho biết trong tháng này rằng các cuộc đàm phán về trụ cột đầu tiên sẽ không được hoàn thành theo kế hoạch vào tháng 6/2024, với lý do Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc từ chối “cam kết”.

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu bên lề cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính G7 tuần trước rằng Mỹ có những vấn đề "giới hạn cứng" trong các cuộc đàm phán về giá chuyển nhượng. Bà cho biết Ấn Độ "sẽ không tham gia với chúng tôi" và Trung Quốc "hoàn toàn vắng mặt" trong các cuộc đàm phán.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục