Cả nước có hơn 200 phương tiện từ bờ ra đảo tương tự phương tiện bị chìm tại Hội An

20:53' - 01/03/2022
BNEWS Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện trên toàn quốc có hơn 200 phương tiện từ bờ ra đảo tương tự phương tiện vừa bị chìm tại Hội An.

Liên quan đến thiết kế tàu cao tốc chạy biển trong vụ tai nạn giao thông đường thuỷ đặc biệt nghiêm trọng làm chìm tàu QNa-1152 ở Hội An vào ngày 26/2 vừa qua, trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 1/3, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện trên toàn quốc có hơn 200 phương tiện từ bờ ra đảo tương tự phương tiện vừa bị chìm tại Hội An.

 

Xung quanh dư luận cho rằng do tàu thiết kế mui kín nên mới khó thoát hiểm khi gặp tai nạn, về vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Hải cho biết, thiết kế tàu biển cao tốc chở khách không chỉ ở Việt Nam mà các nước đều phải tuân thủ đó là thiết kế mui kín theo tiêu chuẩn của quốc tế  (theo quy định của Bộ luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc do Tổ chức Hàng hải quốc tế - IMO ban hành) và được cụ thể hóa tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển cao tốc.

Vì thế việc nói  mui hở, khách dễ thoát khi xảy ra sự cố là không đúng. Tàu được đóng mui kín trước tiên sẽ bảo vệ cho hành khách và nước không tràn vào khoang khách.

Cũng theo ông Nguyễn Vũ Hải, tàu cao tốc thường đi tốc độ nhanh tạo ra sóng lớn nếu tàu mui hở nước sẽ tràn vào khoang tàu gây mất thăng bằng và chìm tàu. Nếu tàu mui hở thì không phải là tàu cao tốc và loại phương tiện này sẽ bị hạn chế tốc độ ngoài trừ tàu mui hở là tàu cao tốc nhưng được thiết kế riêng cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra, các loại phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí như du thuyền đi với tốc độ chậm không bắt buộc phải thiết kế mui kín. Do đó, nếu phương tiện tàu mui hở mà hoạt động thương mại như tàu cao tốc chở khách ra biển là không đúng.

Chính vì có nhiều rủi ro đối với chở khách bằng tàu cao tốc khác với tàu biển thông thương nên Tổ chức Hàng hải quốc tế đã ban hành riêng một bộ luật quy định về vấn đề này, các quốc gia; trong đó có Việt Nam căn cứ vào đó để xây dựng quy chuẩn về loại phương tiện này cho riêng mình.

Về chất liệu đóng tàu, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải thông tin, tàu cao tốc được đóng bằng chất liệu composite (chất dẻo cốt sợi thủy tinh). Đây là chất liệu đóng tàu truyền thống, độ bền và sức chịu đựng của chất liệu này đã được tính toán và thử nghiệm đảm bảo tiêu chuẩn. Hiện nay trên thế giới tàu cao tốc được đóng bằng chất liệu này chiếm đa số.

Về niên hạn tàu cao tốc chở khách thì là 20 năm được quy định tại Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa. Chu kỳ đăng kiểm là 1 năm một lần.

Về các giải pháp quản lý đối với các phương tiện này, ông Nguyễn Vũ Hải chia sẻ, ngày 1/3, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có công văn gửi các chủ tàu biển và phương tiện thủy nội địa VR-SB (sông pha biển) các đơn vị đăng kiểm tàu thủy yêu cầu tăng cường kiểm tra đối với loại phương tiện cao tốc chở khách từ bờ ra đảo, phục vụ lễ hội.

Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thực hiện kiểm tra các phương tiện này từ ngày 1/3-31/8/2022. Trong thời gian này, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra tất cả các phương tiện theo hình thức bất thường hoặc kiểm tra phối hợp với cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nội địa.

Nội dung kiểm tra sẽ là việc tuân thủ các quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan áp dụng cho phương tiện; kiên quyết yêu cầu chủ tàu khắc phục các khuyết điểm ảnh hưởng tới an toàn của tàu biển, phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB. Đặc biệt, cương quyết thu hồi hoặc không cấp giấy tờ đăng kiểm cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB hoạt động nếu không khắc phục thỏa đáng.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, ngay sau tai nạn, Cục đã rà soát tất cả hồ sơ đăng kiểm phương tiện. Tàu gặp nạn QNa-1152 được đóng mới năm 2016, là tàu composit mui hở, công suất chứa 35 khách, hoạt động ở vùng IV (sông, hồ, đầm, vịnh kín).

Năm 2019, phương tiện được nâng cấp thành tàu khách cao tốc SB (mọi người vẫn gọi là ca nô) với khoang chứa khách kín, sức chở tối 35 khách và 3 thuyền viên, công suất máy chính 400 CV.

Tàu có tốc độ thiết kế 37 km/h, tương đương 20 hải lý/h, có thiết bị nhận dạng tự động AIS cho phép các tàu trao đổi thông tin về vị trí, hướng, tốc độ. Hệ thống AIS còn giúp trao đổi với các trạm trên bờ được thuận lợi hơn. Tàu được đăng kiểm đúng quy định, tình trạng kỹ thuật thỏa mãn tại lần kiểm tra gần nhất vào ngày 19/1/2022. Thời điểm tàu gặp nạn, giấy chứng nhận đăng kiểm còn hiệu lực.

Ngoài vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện tàu cao tốc, dư luận cũng rất quan ngại về người điều khiển phương tiện, vì đây là phương tiện chạy tốc độ nhanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Vì vậy, người  điều khiển phương tiện cần phải có kinh nghiệm và kỹ năng tốt.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tống Hoàng Kha, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, qua báo cáo sơ bộ thì thuyền trưởng chở khách gặp nạn tại Quảng Nam vừa qua được cấp bằng thuyền trưởng hạng 3 năm 2016. Được cấp bằng đổi lại vào ngày 10/2/2022 có thời hạn đến 10/2/2027.

"Qua kiểm tra thì việc cấp bằng đối với thuyền trưởng vụ tàu tai nạn trên đều đúng thủ tục, quy trình. Thuyền trưởng có kinh nghiệm cùng với đó là máy trưởng và thuyền viên cũng đảm bảo tiêu chuẩn", ông Tống Hoàng Kha cho hay.

Cũng theo ông Tống Hoàng Kha, hiện trên toàn quốc có hơn 20 cơ sở đào tạo nhân lực cho lái tàu cao tốc và phương tiện thủy nội địa. Hàng năm Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thường xuyên thanh, kiểm tra các cơ sở đào tạo này để đảm bảo nguồn nhân lực được cấp bằng đúng theo quy định.

Trước đó, TTXVN đã đưa tin, chiều 26/2 vừa qua, tàu cao tốc QNa-1152 chở 39 người (gồm 36 khách du lịch đến từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, 1  thuyền trưởng, một thợ máy và một thuyền viên) từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại (Hội An). Cách bờ khoảng 3 km, phương tiện này đã bị lật làm 17 người chết.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, chiều mai 2/3, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có cuộc họp với các đơn vị trong ngành để tìm các giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc đảm bảo an toàn phương tiên, an toàn giao thông đối với tàu biển cao tốc chở khách và phương tiện thủy nội đại VR-SB cao tốc chở khách.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có công điện gửi tới các Cục: Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam; Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Quảng Nam ngày 26/02/2022, đồng thời yêu cầu kiểm tra toàn bộ các phương tiện chở khách từ bờ ra đảo.

Trong một diễn biến liên quan, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ra vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại biển Cửa Đại, thành phố Hội An vào ngày 26/2./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục