Cá tra sốt giá và những hệ lụy tiềm ẩn

17:00' - 28/02/2022
BNEWS Những ngày qua, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đã bật tăng mạnh lên khoảng 30.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với cuối năm 2021.

Mức giá rất cao này được cho là “cú hích” để ngành hàng cá tra đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ trong năm 2022, sau thời gian dài ảm đạm.

 

Việc giá cá nguyên liệu đang ở mức rất cao là cơ hội để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy như: tình trạng lạm dụng trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng, hay thời tiết cực đoan có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh... đó là những e ngại của cả doanh nghiệp và người nuôi trong thời điểm này.

Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, chuyện cá tra tăng giá “kỷ lục” sau đó rớt mạnh là điều đã diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua. Khi thấy giá tăng, có lợi nhuận thì nông dân ồ ạt thả nuôi nhưng đến khi cá lớn thì giá lại giảm rất thấp vì cung vượt cầu, dẫn đến thua lỗ.

Trước diễn biến tăng giá liên tục của cá tra từ đầu năm tới nay, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cảnh báo rằng, có thể có hiện tượng một số doanh nghiệp thấy tình trạng khan hiếm cá tra nên đã nâng giá thu mua lên nhằm kích thích để người nông dân đẩy mạnh nuôi với mục đích hưởng lợi.

“Nuôi cá có lãi thì người ta đổ vào nuôi lớn rồi khi giá hạ, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi vì được mua trả chậm với giá thấp”, ông Hùng chia sẻ.

Mặc dù, giá tăng cao nhưng thực tế theo các hộ nuôi cá tra có kinh nghiệm lâu năm, tỷ lệ nông dân được hưởng lợi rất ít vì thời điểm này không mấy người có cá để bán, do thời gian qua phải “treo ao” hoặc “ngâm cá” nên quá lứa, không đạt tiêu chuẩn thu mua của nhà máy.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Hợp tác xã Thới An, quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ), một nông dân có kinh nghiệm hàng chục năm sản xuất cá tra giống và cá tra thương phẩm nhận xét, việc giá cá nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu tăng lên mức 30.000 đồng/kg như hiện nay là một điều rất đáng mừng cho người nuôi.

Tuy nhiên, theo ông Hải, tỷ lệ này chưa được 10% vì điều kiện tiên quyết là phải có cá đủ kích cỡ xuất bán lúc này. Còn những ao có đang ở tầm 300 – 400gram/con thì dĩ nhiên không bán được.

Cũng theo ông Hải, giá lên xuống cũng là quy luật thị trường, đến lúc cá đạt kích thước thì giá trên thị trường có khi đã sụt giảm.

“Thị trường là vậy, biết làm sao, tại vì đầu ra là do doanh nghiệp xuất khẩu. Khi doanh nghiệp xuất khẩu được giá tốt thì mới mua giá tốt cho nông dân”, ông Hải nói.

Trong khi đó, đối với những hộ nuôi có ký kết hợp đồng bao tiêu với nhà máy thì vẫn bán cá với giá đã ký. Ông Chương Văn Khanh, nông dân nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) có một ao cá đang chuẩn bị thu hoạch với sản lượng khoảng 500 – 600 tấn trong ít ngày nữa cho biết, ao cá này ông ký hợp đồng với một doanh nghiệp ở tỉnh An Giang.

Theo ông Khanh, từ sau Tết, một số công chế biến thủy sản ở thành phố Cần Thơ đã chào mua cá của nông dân với giá 30.000 đồng/kg.

Với giá thành sản xuất dao động từ 21.000 – 23.000 đồng/kg cá nguyên liệu, nếu bán được 30.000 đồng/kg thì người nuôi cá tra sẽ có lãi ít nhất 5.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, do đã chốt giá với doanh nghiệp từ lúc mới thả nuôi nên ông Khanh bán cá với giá cũ, không được hưởng lợi từ lần tăng giá này.

Lý giải nguyên nhân khiến giá cá tra tăng mạnh, ông Khanh cho rằng do thua lỗ kéo dài nên nhiều hộ nuôi cá đã “treo ao”, trong khi nhu cầu xuất khẩu đang rất lớn nên đã kéo giá cá lên cao.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành cá tra năm 2022 vừa diễn ra tại thành phố Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản cho biết, năm nay, ngành cá tra dự kiến sản xuất từ 1,6 - 1,7 triệu tấn cá thương phẩm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.

Theo dự báo của các chuyên gia, giá xuất khẩu cá tra ở tất cả thị trường đều tăng và giá trị xuất khẩu có thể tăng từ 20 - 25% so với năm 2021.

Để đảm bảo ngành cá tra phát triển sản xuất và xuất khẩu ổn định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Tổng cục Thủy sản tiếp tục triển khác các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, hạ giá thành sản xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cần rà soát lại diện tích nuôi, không tăng ồ ạt, quản lý chất lượng giống, thức ăn dinh dưỡng, thú y phòng bệnh và đặc biệt là các tiêu chí chất lượng trong quá trình chế biến để đảm bảo được xuất khẩu.

Dẫn nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về xuất khẩu cá tra năm 2022 có khả năng đạt đến 2 tỷ USD, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, năm 2018, cá tra từng mang về 2,26 tỷ USD. Do đó, nếu tình hình thuận lợi, xuất khẩu năm nay sẽ cao hơn năm 2021.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại Đồng Tháp, tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp trên địa bàn tỉnh An Giang; đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo ổn định sản xuất. Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cũng cần định hướng cho người nuôi, doanh nghiệp để cân đối cung cầu, tránh tình trạng phát triển nóng sau đó rớt giá kéo dài như từng diễn ra cách đây 3 năm.

Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cho rằng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể ban hành chủ trương để hỗ trợ ngành hàng cá tra như: chăn nuôi khép kín, nhà máy nào có công suất bao nhiêu thì được bao tiêu bấy nhiêu, còn việc kinh doanh, xuất khẩu thế nào tự bản thân doanh nghiệp sẽ có chiến lược, định hướng của mình thì ngành hàng cá tra mới hy vọng không còn cảnh “năm trồi, năm sụt” như thời gian qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục