Các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên ngao

12:53' - 21/02/2017
BNEWS Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ cuối năm 2016 đến nay, tình trạng ngao (nghêu) chết trên diện rộng đã xuất hiện tại nhiều địa phương.
Để phòng chống dịch bệnh trên ngao, không nuôi ngao ở những nơi nước nông có thời gian phơi bãi dài từ 3-4 giờ trở lên. Ảnh: TTXVN

Để giảm thiệt hại cho người nuôi, Cục Thú y đã đề nghị các cơ quan chuyên ngành tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng bệnh, quản lý vùng nuôi và một số biện pháp xử lý khi ngao nuôi bị chết.

Theo đó, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng bệnh như: chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với tác nhân gây bệnh nguy hiểm (Perkinsus); mật độ thả nuôi thưa; vệ sinh bãi ngao hàng ngày; định kỳ 1-2 tháng/lần hoặc khi có hiện tượng ngao chết bất thường, thu mẫu xét nghiệm ký sinh trùng Perkinsus tại các vùng nuôi để đánh giá mức độ nhiễm và có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, thống kê diện tích nuôi trong quy hoạch, ngoài quy hoạch; quản lý thả nuôi trong vùng quy hoạch nơi có đủ điều kiện tốt cho ngao sinh trưởng. Đặc biệt, không nuôi ngao ở những nơi nước nông có thời gian phơi bãi dài từ 3-4 giờ trở lên sẽ làm cho ngao bị chết do nắng nóng mùa hè hoặc lạnh mùa đông; không nuôi ở những nơi quá gần cửa sông do môi trường bị thay đổi đột ngột trong mùa mưa hoặc nguồn nước ô nhiễm từ sông đổ ra.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến mùa vụ thả nuôi, mật độ thả nuôi trung bình theo từng vùng nuôi; tổng hợp và hướng dẫn kỹ thuật nuôi ngao phù hợp tập quán, kỹ thuật thả nuôi của người dân và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Khi có sự biến động về thời tiết, hoặc có hiện tượng ngao chết bất thường cần tiến hành quan trắc (nước, bùn), thông báo các biến động, cần thiết có thể hướng dẫn phun nước lên mặt bãi để giữ ổn định môi trường.

Theo Cục Thú y, các địa phương xuất hiện tình trạng ngao chết trong thời gian qua là Ninh Bình (1.100 ha), Thanh Hóa (560 ha), Nghệ An (15 ha). Cục Thú y đã phối hợp với các địa phương thu mẫu xét nghiệm, kết quả không phát hiện tác nhân gây bệnh nguy hiểm (Perkinsus).

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu môi trường vượt ngưỡng giới hạn Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia như: BOD 5 , COD và Amoni vượt ngưỡng cho phép từ 1,2 - 1,7 lần. Do vậy, nguyên nhân chính ngao chết được xác định cho tới thời điểm hiện tại là do môi trường./.

>>> Đã xác định nguyên nhân ngao chết rải rác tại Ninh Bình

>>> Đã có kết quả vụ ngao chết hàng loạt tại Thanh Hóa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục