Các bộ trưởng kinh tế châu Âu hối thúc EU cứu ngành thép

21:30' - 07/02/2016
BNEWS Ngày 6/2, Bộ trưởng Kinh tế của 7 nước châu Âu (gồm Pháp, Anh, Đức, Italy, Ba Lan, Bỉ và Luxembourg) đã gửi “tâm thư” hối thúc Liên minh châu Âu (EU) có hành động nhằm cứu ngành thép của khu vực này.
Các nhà sản xuất thép châu Âu lao đao vì thép giá rẻ của Trung Quốc. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Ngày 6/2, Bộ trưởng Kinh tế của 7 nước châu Âu bao gồm Pháp, Anh, Đức, Italy, Ba Lan, Bỉ và Luxembourg đồng thuận gửi “tâm thư” hối thúc Liên minh châu Âu (EU) có hành động nhằm “cứu” ngành sản xuất thép “lục địa già” đang trải qua cuộc khủng hoảng rớt giá cũng như cuộc cạnh tranh không cân sức với nguồn thép giá rẻ từ Trung Quốc và Nga. 

Bức thư gửi Ủy ban châu Âu (EC) và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng EU do Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron khởi xướng nêu rõ ngành thép châu Âu – vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 - lại đang đối mặt với thực trạng thương mại không công bằng trong cuộc cạnh tranh quốc tế gay gắt gây do tình trạng dư thừa công suất trên toàn cầu. EU không thể tiếp tục "khoanh tay đứng nhìn" khi tỷ lệ người mất việc ngày càng tăng cũng như các cơ sở sản xuất thép đồng loạt đóng cửa cho thấy khả năng ngành sản xuất thép châu Âu sụp đổ là rất lớn và rõ ràng. 

Bảy vị Bộ trưởng yêu cầu EC tận dụng triệt để bộ công cụ chính sách để đối phó với vấn đề cạnh tranh không công bằng. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng này cũng kêu gọi EU tổ chức một cuộc điều tra riêng trong lĩnh vực nhập khẩu sản phẩm thép cuốn nóng từ Trung Quốc. 

Theo số liệu chính thức mới nhất của EU, EU là nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Hàng năm, liên minh này sản xuất tổng cộng 177 triệu tấn thép, chiếm 11% tổng sản lượng toàn cầu. Kể từ đợt suy thoái 2008, châu Âu đã chứng kiến 85.000 người trong ngành thép mất việc làm, chiếm hơn 20% lực lượng lao động của ngành, do thép rơi xuống mức thấp kỷ lục trong một thập niên giữa bối cảnh nguồn cung toàn cầu dư thừa, nhu cầu giảm và cơn bão thép giá rẻ, chủ yếu từ Trung Quốc. 

Trước đó, trong bức thư gửi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành công bố ngày 5/2, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã hối thúc Bắc Kinh thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hạn chế tình trạng dư thừa trong ngành sản xuất thép, cũng như các yếu tố khác khiến tình hình trầm trọng hơn. Bà Malmstrom cũng cảnh báo Trung Quốc về các cuộc điều tra bán phá giá mới của EU đối với các sản phẩm của nước này. Theo bà Malmstrom, việc sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc tăng 50% trong năm 2015 đã khiến thị trường thép toàn cầu và châu Âu mất ổn định. 

Trung Quốc sản xuất tới một nửa sản lượng thép thô toàn thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại hiện nay, Trung Quốc không thể tiêu thụ phần lớn sản lượng trên như trước. Vào lúc các nhà sản xuất châu Âu đang cố tháo gỡ tình trạng dư thừa nguồn cung thép toàn cầu, hãng thép ArcelorMittal có trụ sở tại Luxembourg ngày 5/2 cho rằng Trung Quốc là nguyên nhân gây ra thiệt hại tới 8 tỷ USD trong năm 2015 và hàng nghìn nhân công ngành này bị mất việc. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục